Chúng ta thường hiếm khi được đọc các tác phẩm người thật việc thật về các nhà hoạt động tình báo của mình, kể cả trong các cuộc chiến chống ngoại xâm trước đây và giai đoạn bảo vệ, xây dựng đất nước hiện nay
Điều đó cũng dễ hiểu. Vì tất cả những nhà hoạt động tình báo đều xác định ngay từ đầu khi bước chân vào công việc này, là họ phải chấp nhận một cuộc đời đầy sóng gió trong một cuộc sống vô cùng thầm lặng, càng thầm lặng, không ai biết đến càng tốt, vì bí mật của nhiệm vụ phải thực thi, vì những con người phải bảo vệ, vì kết quả công việc phải hoàn thành. Ngay cả khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ, đã về hưu, thì không phải mọi việc liên quan đến hoạt động của họ đều có thể tiết lộ.
Vì vậy, thật đáng trân quí khi có những tác giả, tác phẩm đã nỗ lực đề cập phần nào những công việc cam go, nguy hiểm, những pha đấu trí sinh tử, những hi sinh thầm lặng phi thường… của các nhà hoạt động tình báo, dù chỉ đề cập một phần có thể trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của họ. “Ông Tướng tình báo bí ẩn và điệp vụ siêu hạng” của tác giả Hoàng Hải Vân – Tấn Tú, là một quyển sách như thế.
Một điệp viên nhị trùng siêu hạng
Đây là câu chuyện về cuộc đời hoạt động của nhà hoạt động tình báo lỗi lạc Đặng Trần Đức (Ba Quốc) nhưng ít người được biết, do tính chất công việc và cả do tính cách của ông. Sách tập hợp những bài báo đã đăng trên báo Thanh Niên vào năm 2004 về cuộc đời hoạt động của ông Ba Quốc trước 1975, và đặc biệt là phần giai đoạn sau 1975 với những chiến công còn lừng lẫy hơn cả thời kỳ trước mà hiếm người biết đến. Sách được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng (khoá XI, XII), Tổng cục trưởng Tổng cục II (2000-2009), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (2009-2021), người học trò xuất sắc của tướng Đặng Trần Đức viết lời giới thiệu.
Đọc sách, ta sẽ biết được một Đặng Trần Đức đơn độc nhưng vô cùng mưu trí lọt vào cơ quan tình báo của đối phương như thế nào và đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nguy hiểm ra sao. Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông Ba Quốc đã lọt vào được 2 cơ quan tình báo đầu não ở miền Nam là Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội (dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm), và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo (dưới thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu).
Ông đã có rất nhiều báo cáo, tin tức quí giá về địch và thực hiện nhiều hành động dũng cảm, mưu trí để vô hiệu hoá âm mưu thủ đoạn của địch, phát hiện cán bộ ta làm tay sai cho địch, kích động khai thác mâu thuẫn nội bộ địch, giải cứu cán bộ ta khỏi những tình huống hiểm nguy…
Đơn cử, là người làm trong cơ quan mật vụ của địch, một lần nắm được thông tin người của ta sẽ bị bắt, ông Ba Quốc đã đơn độc thực hiện cuộc giải cứu “người của mình”, là bí thư và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn – Gia Định, mà lúc đó ông chưa hề biết mặt. Người bí thư được cứu đó mãi sau này ông mới được biết là ông Nguyễn Văn Linh (cố Tổng bí thư). Cuộc giải cứu thực hiện tài trí ra sao để không bị phát hiện đã được nêu khá chi tiết trong sách.
Ông Ba Quốc còn lập nhiều chiến công ly kỳ khác, như khi phía Mỹ yêu cầu Sở nghiên cứu Chính trị – Xã hội ám sát ông hoàng Campuchia Norodom Sihanouk (do quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Campuchia lúc đó), ông được giao thực hiện nhiệm vụ này, nhưng lại mưu trí giải cứu ông hoàng Sihanouk (lúc đó là người thân lực lượng Cách mạng) mà không để lộ thân phận. Rồi vụ được giao bắt 3 lãnh tụ Hoà Hảo, nhưng ông đã tranh thủ kết thân với người của lực lượng này, để thực hiện các nhiệm vụ kích động, gây rối lực lượng địch sau đó. Các báo cáo của ông Ba Quốc còn giúp lực lượng công an Hà Nội tóm sạch 7 ổ gián điệp cài ở miền Bắc. Ông còn phát hiện nhiều hồ sơ cán bộ ta làm gián điệp cho địch.
Suốt mấy mươi năm sống trong lòng địch, ông Ba Quốc đã dùng chính thân phận làm gián điệp cho địch để làm tình báo cho ta. Một công việc cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, “độc nhất vô nhị” như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã viết: “Ông Ba Quốc là một điệp viên nhị trùng siêu hạng. Một điệp viên mà vào được Phủ Tổng thống, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn hoặc các cơ quan đầu não khác của đối phương đã vô cùng hiếm, nhưng một điệp viên lại nằm đúng trong cơ quan tình báo của địch để tham gia chỉ đạo lực lượng tình báo địch đánh ngược nội bộ ta thì ở Việt Nam chỉ duy nhất có ông Ba Quốc, ở nước ngoài cũng vô cùng hiếm có điệp viên nào lợi hại như vậy”.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Ba Quốc lại tiếp tục ngược xuôi từ Nam ra Bắc, sang tận chiến trường Campuchia, nhận lãnh nhiều trọng trách quan trọng khác của ngành tình báo trước yêu cầu mới của đất nước, mà có rất nhiều nhiệm vụ, nhiều chiến công ông không thể chia sẻ, tiết lộ vì đặc điểm nghề nghiệp của mình.
Không chỉ vậy, ông còn tận tụy đào tạo, rèn luyện nhiều nhà hoạt động tình báo cho đất nước, như một trách nhiệm, mà một trong những học trò xuất sắc của ông là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Di sản để lại
Có những công việc người khác thấy đó là sự hi sinh, với người trong cuộc, đó là một nhiệm vụ, một trọng trách phải làm và phải làm tốt, không có gì phải kể. Với ông Ba Quốc và những người hoạt động tình báo, vì phẩm chất nghề nghiệp, vì yêu cầu kỷ luật, càng không thể kể và không được kể. Với họ, hoàn thành tốt nhiệm vụ mới là điều quan trọng.
Nhưng với người đời sau, những gì có thể biết và được biết là cần thiết cho sự tiếp diễn của cuộc sống, cho sự tiếp nối của một dân tộc.
Đọc sách, chúng ta không chỉ nể phục bởi hoạt động nghề nghiệp của ông Ba Quốc, bởi tính cách của ông, mà còn đan xen trong đó thật nhiều cảm xúc bởi những hi sinh thầm lặng trong cuộc đời riêng của ông, và càng quí trọng hơn từ những bài học, những di sản mà ông để lại.
Khi tác giả hỏi về những năm tháng đi làm gián điệp trong lòng địch, “ông có được cách mạng trợ cấp chi phí gì không?”, ông trả lời “không có, cách mạng không cấp cho tôi cái gì cả. Tôi chỉ có một niềm tin thôi. Đó là niềm tin giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, niềm tin vào cuộc chiến đấu cho chính nghĩa”.
Cuộc đời và tính cách nhà tình báo Đặng Trần Đức thể hiện rõ sự chính trực, khiêm nhường, không háo danh, thể hiện lòng tin đối với sự nghiệp mà mình lựa chọn, lòng trung thành với đất nước, tổ chức; sự phục vụ nhân dân vô điều kiện; lòng chung thủy, tận tụy với gia đình, đồng chí, đồng nghiệp; lòng khoan dung với người khác.
Trong lời dẫn, tác giả cũng đã viết: “Di sản mà ông để lại là vô giá trong kho tàng khoa học quân sự – chính trị Việt Nam, di sản đó sẽ là bất diệt qua mọi thời đại. Nó cần và sẽ được trao truyền qua các thế hệ… Ông để lại nhiều bài học, nhưng quan trọng nhất là “học ở ông cách không phạm sai lầm giữa chiến trường thầm lặng, vì chiến trường không phải là “trường học” của các nhà tình báo, phạm sai lầm là không thể sửa chữa”.
Ông để lại nhiều bài học về nghiệp vụ hoạt động tình báo, nhưng bài học đầu tiên ông trao lại là bài học về lòng dân. Lúc khó khăn nhất người dân đã chở che, nuôi dưỡng, bảo vệ ông, để có một ông Ba Quốc lỗi lạc, tận tuỵ cho sự nghiệp Cách mạng.
Có thể bạn đọc chưa thoả mãn với những chất liệu còn “khiêm tốn” trong quyền sách về cuộc đời hoạt động của nhà tình báo Đặng Trần Đức, nhưng với nhiều nỗ lực của tác giả trong điều kiện có thể, đó là một quyển sách rất đáng để đọc và suy ngẫm.
Hà Hưng