Trong một thế giới bị ám ảnh bởi tài năng bẩm sinh, chúng ta cứ cho rằng những người hứa hẹn nhất là những người bộc lộ tài năng từ sớm. Thế nhưng việc tán dương những thiên tài bẩm sinh sẽ khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những tiềm năng còn đang bị lẩn khuất.
Cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng” (tựa gốc: Hidden Potential) của Adam Grant – giáo sư hàng đầu trong bảy năm liền của đại học Wharton và là tác giả cuốn “Dám nghĩ lại” nổi tiếng – sẽ giúp chúng ta mở khóa tiềm năng của mình, từ đó vươn đến những thành tựu lớn lao. Đây cũng là cuốn sách được ông Hoàng Nam Tiến,Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT yêu thích và viết lời giới thiệu.
Nếu cơ hội không gõ cửa, chúng ta vẫn có cách tự mình mở cửa
Trong một nghiên cứu đi tìm nguồn gốc tạo ra tài năng xuất chúng, các nhà tâm lý học đã tiến hành phỏng vấn hơn 120 người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhạc sĩ, nghệ sĩ cho đến nhà khoa học, vận động viên đẳng cấp thế giới. Đồng thời, họ cũng phỏng vấn cả cha mẹ, giáo viên và huấn luyện viên của đối tượng được chọn. Người ta sửng sốt khi phát hiện ra rằng chỉ có một số ít trong nhóm những người đạt thành tích cao này là thần đồng. Thậm chí, một số người còn chưa bao giờ được giáo viên công nhận có khả năng đặc biệt hay nổi trội hơn bạn bè đồng trang lứa.
Suốt một thời gian dài, chúng ta vẫn nghĩ rằng những tố chất vĩ đại của con người là bẩm sinh chứ chẳng phải thứ được trau dồi. Vì thế chúng ta thường có xu hướng tôn vinh những học sinh có năng khiếu ở trường, những vận động viên có tài năng thiên phú, hoặc những thần đồng âm nhạc hiển lộ từ sớm. Thế nhưng, trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng”, giáo sư Adam Grant đã lật ngược ván bài và cho chúng ta thấy rằng, dẫu không phải thần đồng thì chúng ta vẫn có thể đạt được những điều vĩ đại.
“Khi đánh giá tiềm năng, chúng ta mắc sai lầm chủ yếu khi tập trung vào điểm xuất phát – vào những khả năng có thể nhìn thấy tức thì. Trong một thế giới bị ám ảnh bởi tài năng bẩm sinh, chúng ta cứ cho rằng những người hứa hẹn nhất là những người nổi bật ngay lúc này. Nhưng những người đạt thành tích cao vốn có sự khác biệt rất lớn trong việc thể hiện những năng khiếu ban đầu. Nếu chúng ta đánh giá con người chỉ qua những gì họ có thể làm trong ngày đầu tiên thì tiềm năng của họ sẽ tiếp tục ở trong trạng thái bị chôn vùi” – Addam Grant cho biết.
Và qua hơn 20 năm nghiên cứu, Grant nhận ra sự phát triển không chỉ đòi hỏi tư duy mà còn cần nhiều thứ khác, trong đó có kỹ năng nhân cách – một thứ cực kỳ quan trọng nhưng thường bị lãng quên. Từng có thời gian, những kỹ năng nhân cách như tính chủ động, lòng quyết tâm, sự tò mò… bị xem nhẹ và được coi là những “kỹ năng mềm”. Thế nhưng, theo Adam Grant, chính những kỹ năng nhân cách này sẽ quyết định các con người xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống. Nó cũng là thứ giúp chúng ta sống đúng với những nguyên tắc và giá trị của mình.
Trong phần đầu của “Biến tiềm năng thành tài năng”, Adam Grant sẽ giúp chúng ta khám phá những kỹ năng nhân cách cụ thể có thể làm bệ phóng cho chúng ta vươn lên những tầm cao hơn. Theo đó, nếu cơ hội không mở cửa, bạn vẫn có thể tự mở cho mình một cánh cửa thông qua việc học hỏi và rèn luyện. Nhưng học hỏi không thôi chưa đủ, để đi được đường dài, đòi hỏi chúng ta phải có lòng can đảm để vượt qua vùng an toàn, có khả năng chịu được sự va vấp, có năng lực tiếp thu những thông tin đúng đắn, đồng thời phải biết thoải mái với chủ nghĩa không hoàn hảo. Tác giả nhấn mạnh rằng những người chấp nhận được cảm giác khó chịu và dám mắc sai lầm thường sẽ có cơ hội phát triển lớn hơn.
Trong sách, bạn sẽ học được nhiều điều thông qua các câu chuyện khác nhau, từ một võ sĩ quyền anh đã tự học nghề kiến trúc, một người phụ nữ thoát nghèo bằng khả năng siêu hấp thụ kiến thức, cho đến những người từng gặp khó khăn ở trường nhưng hiện nay lại được xếp vào hàng những người giỏi nhất thế giới… Họ không sinh ra với siêu năng lực vô hình mà hầu hết tài năng của họ đến từ quá trình học tập hoặc tự thân rèn luyện.
Nhưng nếu chỉ dựa vào kỹ năng nhân cách thì chưa đủ để đi được quãng đường xa. Muốn vượt qua những đỉnh cao cheo leo, chúng ta cần phải có sự hỗ trợ nâng đỡ từ nhiều nguồn. Sự hỗ trợ này chính là giàn giáo. Nó giúp ta xây dựng khả năng phục hồi để vượt qua những trở ngại có nguy cơ đàn áp và hạn chế sự phát triển của bản thân. Những giàn giáo này có thể đến từ gia đình, bạn bè, người hướng dẫn, và cả bản thân bạn.
Trong phần hai của cuốn sách, Adam Grant sẽ hướng dẫn bạn xây dựng những giàn giáo để thúc đẩy bản thân. Bạn sẽ hiểu được vì sao chơi có chủ đích lại có thể ngăn ngừa sự nhàm chán và kiệt sức, hay nguyên nhân vì sao đôi khi đường vòng lại là cách hữu hiệu nhất để tiến về phía trước. Trong phần này, chúng ta được giới thiệu một nhạc công đã xây dựng được cấu trúc tạm thời để khắc phục một khiếm khuyết vĩnh viễn, một huấn luyện viên đã giúp một vận động viên mờ nhạt trở thành ngôi sao, và một nhóm những người từng bị coi thường đã trở thành những sĩ quan da đen đầu tiên của nước Mỹ.
Nhìn chung, ngay cả khi sở hữu những kỹ năng nhân cách mạnh mẽ, thì không phải ai cũng có thể tránh khỏi tình trạng kiệt sức, nghi ngờ hoặc rơi vào trạng thái trì trệ. Lúc ấy, có thể bạn nghĩ rằng mình đã sa lầy hay đã thất bại, thế nhưng, “sự tiến bộ không chỉ nằm trong những đỉnh cao bạn chinh phục được, mà còn hiện hữu trong những thung lũng bạn đã vượt qua”.
Xây vùng đất cơ hội cho những nhân tài nở muộn
Kỹ năng nhân cách và giàn giáo có thể giúp chúng ta khai mở tiềm năng ẩn giấu trong bản thân và những người xung quanh. Nhưng để đạt được những điều lớn lao hơn, chúng ta cần tạo ra cơ hội trên quy mô lớn hơn cho những người yếu thế và những người thành công muộn. Bởi lẽ, chính những cánh cửa đáng lý phải mở ra cho những người có tiềm năng to lớn lại thường bị đóng chặt vì một vài lý do.
Nhà kinh tế học Raj Chetty và các đồng nghiệp của ông đã tìm hiểu về cách thức cơ hội định hình những ai sẽ trở thành người đem lại sự đổi mới. Khi liên kết các tờ khai thuế thu nhập liên bang với hồ sơ bằng sáng chế của hơn một triệu người Mỹ, họ đã tìm thấy một kết quả đáng báo động. Những người thuộc nhóm 1% gia đình có thu nhập cao nhất có khả năng trở thành nhà phát minh cao gấp mười lần so với những người thuộc các gia đình có thu nhập dưới mức trung bình. Nói cách khác, nếu lớn lên trong gia đình giàu có, khả năng bạn được cấp bằng sáng chế là 8/1.000. Nếu bạn lớn lên trong gia đình nghèo khó, khả năng đó giảm xuống còn 8/10.000.
Về điều này, Adam Grant chỉ ra: “Khi nghĩ thiên tài là những người có khả năng phi thường, chúng ta đã bỏ qua tầm quan trọng của hoàn cảnh sống đối với việc hình thành nên con người họ. Khi có ý tưởng, trẻ em trong một gia đình sung túc sẽ bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Một số người kém may mắn hơn có thể là những Einstein không gặp thời: họ có thể trở thành những nhà tiên phong vĩ đại nếu như có cơ hội”.
Chúng ta có thể thấy một câu chuyện hy hữu về một cá nhân tạo được sự đột phá sau khi bị đánh giá thấp hoặc bị coi thường, thế nhưng, vẫn còn có hàng ngàn, ngàn triệu tiềm năng bị chôn vùi chưa từng được cơ hội gõ cửa để vươn lên. Vì lẽ đó, phần ba của “Biến tiềm năng thành tài năng” tập trung vào việc xây dựng hệ thống để mở rộng cơ hội cho tất cả mọi người. Adam Grant đã đưa ra nhiều ví dụ và cách thức để xã hội mở rộng cánh cửa cơ hội và giải phóng những tiềm năng đang ẩn trong cộng đồng.
Nếu được thiết kế đúng cách, các hệ thống tuyển sinh và tuyển dụng có thể nhận ra tiềm năng của những nhân tài “nở muộn”, những người có triển vọng đường dài. Các hệ thống tổ chức và đội nhóm có thể nhận ra rằng những ý tưởng hay, không chỉ đến từ cấp trên mà còn có thể xuất phát từ các thành viên cấp dưới. Và các hệ thống giáo dục có thể mang đến cho những trẻ em xuất phát chậm một cơ hội chiến đấu để tiến lên phía trước. Khi ấy, chúng ta sẽ giảm thiểu nguy cơ mất đi những Einstein – và cả những Carver, Curie, Hopper và Lovelace nữa.
Với lập luận sắc bén cùng nhiều dẫn chứng thực tiễn, khoa học, Adam Grant đã khai mở cho chúng ta cách để trở thành một phiên bản tốt hơn. Cuốn sách của Grant không chỉ truyền cảm hứng mà còn mang đến một cái nhìn toàn diện về cách chúng ta có thể khai phá tiềm năng của bản thân và những người xung quanh.
* Về tác giả:
Adam Grant (sinh năm 1981) được công nhận là giáo sư hàng đầu trong bảy năm liền của Đại học Wharton. Grant là nhà tâm lý học tổ chức, được công nhận là một trong mười nhà tư tưởng về quản lý có tầm ảnh hưởng nhất thế giới theo tạp chí HR và nằm trong danh sách 40 giáo sư kinh doanh tài giỏi nhất thế giới dưới 40 tuổi.
Adam Grant là tác giả bán chạy số một theo đánh giá của New York Times, với những tựa sách đã bán hàng triệu bản và được dịch sang 45 ngôn ngữ như Think Again (Dám nghĩ lại), Give and Take (Cho và nhận), Originals (Tư duy ngược dịch chuyển thế giới)… và Hidden Potential (Biến tiềm năng thành tài năng) là cuốn sách mới nhất. Những cuốn sách của ông luôn có mặt trong danh sách những cuốn sách hay nhất trong năm trên Amazon, Apple, tạp chí Financial Times và Wall Street Journal.
Lê Anh