Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng hai đồn Biên phòng trên đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối luôn làm tốt công tác tăng gia sản xuất, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp.
Xa đất liền hàng chục hải lý, vì vậy công tác đảm bảo hậu cần phục vụ đời sống của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Khoai và Đồn Biên phòng Hòn Chuối (BĐBP Cà Mau) có thời gian phải phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu trên biển để vận chuyển lương thực, thực phẩm từ đất liền ra đảo. Để khắc phục khó khăn khi biển động không có tàu vận chuyển, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ hai đơn vị đã tích cực tăng gia sản xuất tại chỗ để chủ động nguồn rau xanh cho bộ đội và đóng góp một phần kinh phí xây dựng cơ bản.
Theo Trung tá Võ Văn Dúl, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Khoai: Đơn vị đứng chân ở độ cao gần 100m so với mực nước biển. Hòn Khoai có nguồn nước ngọt dồi dào, nhưng không có mặt bằng, nên công tác tăng gia sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Để trồng được rau xanh và nuôi được các loại gia súc, gia cầm, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải mất rất nhiều công sức cải tạo đất và quy hoạch, tạo dựng nơi chăn nuôi.
Nhưng đến nay, Đồn Biên phòng Hòn Khoai đã có hơn 1.000m2 vườn chuyên canh, tự túc đủ rau xanh và các loại củ, quả; có đàn heo rừng, đàn dê và gà vịt đảm bảo phục vụ đời sống cho bộ đội. Trong năm 2018, đơn vị thu hoạch các loại rau, củ, quả đạt trên 2 tấn và gần 1 tấn thịt gia súc, gia cầm. Tận dụng hồ chứa nước phòng chống cháy rừng trên đảo, đồn Biên phòng Hòn Khoai còn thả nuôi hàng ngàn con cá giống các loại, mỗi năm thu hoạch hàng tấn cá phục vụ đơn vị và các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo. Từ nguồn tăng gia sản xuất, đơn vị đã thu gần 100 triệu đồng/năm và đưa vào bữa ăn hàng ngày cho bộ đội từ 2.000 đến 2.500 đồng/người/ ngày.
Khác với đảo Hòn Khoai, đảo Hòn Chuối không có nguồn nước ngọt. Trên 50 hộ dân và các đơn vị làm nhiệm vụ trên đảo đều phụ thuộc nguồn nước ngọt từ mùa mưa năm trước tích trữ lại. Với cư dân thì nguồn nước ngọt chủ yếu được các tàu đánh cá, tàu hậu cần nghề cá chở trong đất liền ra bán hoặc trao đổi hàng hóa. Những khi biển động, không có tàu ra vào thì nước ngọt phục vụ cư dân trên đảo được huy động từ đồn Biên phòng.
Chia sẻ khó khăn về nguồn nước ngọt, Thượng tá Nguyễn Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối cho biết: Trên đảo có mạch nước ngọt, nhưng mỗi ngày chỉ cung cấp được khoảng 70 đến 100 lít. Hiện nay đang mùa khô, nên nguồn nước này ít hơn.
Trong cơn bão số 1 đầu năm 2019, đơn vị đã di dời trên 100 cư dân đảo về đơn vị trú tránh. Tại đây, đơn vị phải đảm bảo an toàn, lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho bà con, trong đó, nước ngọt để bà con sinh hoạt là ưu tiên hàng đầu. Năm 2019, đã hết tháng 3, nhưng trên đảo chưa có cơn mưa nào, lượng nước dự trữ còn đủ phục vụ đơn vị, nhưng nếu nắng hạn kéo dài, đơn vị và cư dân trên đảo sẽ gặp khó khăn.
Mô hình trồng rau thủy canh của Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Ảnh: Lê Khoa
Do khó khăn như vậy nên nước ngọt trên đảo sử dụng hết sức tiết kiệm. Bộ đội tắm thì nước thải được gom về hố lắng, dùng nước đó tưới cây; nước giặt quần áo xong thì tận dụng lau, rửa nhà; nước rửa rau, rửa cá thì dùng tưới rau. Khó khăn là vậy, nhưng đơn vị vẫn đảm bảo được trên 60% lượng rau, củ, quả đưa vào bếp ăn cho bộ đội.
Nguồn nước ngọt khan hiếm và quỹ đất ít, vì vậy Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã triển khai thêm hệ thống trồng rau thủy canh. Với mô hình này, bước đầu đã tiết kiệm được nguồn nước tưới, giảm bớt công sức cải tạo đất đá trên đảo. Ngoài đảm bảo nguồn rau xanh, đơn vị cũng đảm bảo được nguồn thịt từ chăn nuôi dê, heo rừng và gà vịt; đồng thời đã tự làm nước mắm đảm bảo chất lượng và đủ phục vụ đơn vị sử dụng dài ngày.
Tuy ở đảo nhưng Đồn Biên phòng Hòn Khoai và Hòn Chuối đã tạo được cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, xây dựng đơn vị chính quy, nề nếp. Công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo được hai đơn vị duy trì thường xuyên, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Lê Khoa – Báo Biên Phòng