Khả năng linh hoạt ứng phó với những thử thách khắc nghiệt và biết biến nguy cơ thành đòn bẩy sẽ giúp bạn trở thành phiên bản mạnh mẽ hơn của chính mình…
Tất cả chúng ta đều sợ thất bại. Trong một thời đại mà những bài học thành công được tung hô một cách thái quá, chúng ta ít nhiều đều bị tâm lý không sẵn sàng đối diện với những sai lầm và thất bại. Thậm chí người ta còn lên án nỗi buồn, lòng trắc ẩn… và cho rằng đó là những cảm xúc yếu đuối, cản trở con người đi đến thành công.
Tuy nhiên, những tín đồ của “chủ nghĩa tích cực” sẽ luôn thất bại ở những bước ngoặt quan trọng. Sự tích cực trên bề mặt có thể nhanh chóng biến chúng ta trở thành kẻ yếu đuối khi đối đầu với những cơn bão tố thật sự. Một tinh thần không được mài giũa qua gian nan sẽ không bao giờ hình thành nên được thứ năng lực quan trọng nhất của con người – đó là sức bật tinh thần. Chính năng lực đã giúp con người hoàn thiện bản thân không ngừng và liên tục khai phá được tiềm năng vô hạn của bản thân.
Trong quyển sách “Sức bật tinh thần” (tựa gốc: Bounce Back), tác giả Susan Kahn đã định nghĩa “sức bật tinh thần” chính là khả năng thích ứng và thay đổi, là tận dụng nghịch cảnh để mài giũa bản thân trở nên giỏi giang hơn, mạnh mẽ hơn và linh hoạt hơn. Chính tâm lý sợ thất bại và không lên kế hoạch cho thất bại khiến con người thất bại trong kế hoạch chinh phục thành công.
Để nhìn thử thách, khó khăn hay thất bại như một “món quà mở chậm”, bạn cần phải có thời gian và sự tập luyện. Hầu hết chúng ta đều chọn phản ứng vội vàng trước những biến cố ngoài ý muốn và để tinh thần trượt dốc, gãy đổ theo chuỗi sự kiện tiêu cực. Tác giả Susan Kahn chia sẻ quan điểm về những thói quen tâm lý giúp độc giả có sức bật tinh thần một cách tự nhiên mà không cần đến sự tích cực giả tạo, trấn an tạm thời.
Susan cho rằng khi đối diện với những nguy biến và cảm xúc khó chịu, hay giận dữ, chúng ta khoan vội phản ứng. Khoảng dừng này có sức mạnh rất lớn. Nó cho chúng ta thời gian thay đổi cách phản ứng và quan điểm – vốn là mấu chốt trong việc bạn có chiến thắng được nghịch cảnh hay không. Phản ứng ban đầu của chúng ta không phải lúc nào cũng là có lợi nhất. Ví dụ nếu bạn không được đề bạt thăng chức, bạn nghĩ mình thật ngu ngốc khi ứng cử. Giá như mình đừng ảo tưởng thì giờ có thể không bị chuốc lấy sự chế nhạo của đồng nghiệp… Đó là suy nghĩ không có sức bật tinh thần. Trong khi nếu bạn nghĩ đơn giản rằng mình cần cố gắng hơn thì mọi việc sẽ khác.
“Sức bật tinh thần” không đơn thuần là quyển sách hướng người đọc đến với cuộc sống thành công, mà còn chứa đựng kiến thức chuyên sâu về thần kinh học, phân tâm học và tâm lý học xoay quanh sự phản kháng của con người khi vấp ngã. Trong quyển sách này, Susan Kahn bàn về căn nguyên của nỗi sợ thất bại, bao gồm những yếu tố ẩn sâu trong tiềm thức đến mức ta không nhận thức được sự tồn tại của chúng. Những “điểm mù” này góp phần không nhỏ vào việc định hình phản ứng của bản thân ta với sự thất bại, mất mát và xung đột. Do đó, chỉ sau khi nhận ra những yếu tố ẩn sâu trong tiềm thức và biết cách xử lý chúng, chúng ta mới có thể vượt qua nỗi sợ thất bại và biến thử thách thành cơ hội.
Bên cạnh phần lý thuyết, Susan còn đưa ra các bài thực hành đánh thức nội lực và từng bước rèn luyện sức bật tinh thần để bạn luôn sẵn sàng trong mọi thử thách. Sức bật tinh thần không phải là một đặc tính thiên bẩm, mà là một khả năng tất cả chúng ta đều có thể sở hữu được nhờ vào quá trình tập luyện.
Những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu luôn là những cá nhân kiên cường nhất, có tố chất để thành công nhất. Họ có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời đầy chông gai. Khi đi qua những thử thách khắc nghiệt, ngoài bản lĩnh và lòng can đảm, ta còn trở nên bao dung và yêu thương cuộc sống hơn.
Các tình huống đa dạng nơi công sở, thương trường, xã hội dân sinh và sự tương tác phức tạp trong thời đại số buộc mọi người phải không ngừng thích nghi để sinh tồn và phát triển. Chính vì vậy, sức bật tinh thần trở thành một khả năng không thể thiếu để thành công trong công việc, bất kể bạn là nhà lãnh đạo hay nhân viên. Tất cả chúng ta, dù thành công hay không, dù giàu có hay nghèo khổ, đều đang đối diện với những khó khăn khắc nghiệt của riêng mình. Thuyền to sóng lớn hay chỉ là hạt cát bị cuốn phăng trong sóng lớn thì chúng ta đều có thể chọn cho mình một thái độ khôn ngoan để băng qua những biến động vô thường của đời sống.
Dù muốn hay không thì quá trình tiến hóa tự nhiên vẫn thao túng toàn bộ đời sống và tâm lý của bạn. Bản năng của chúng ta là sợ hãi những điều ta không biết và nỗi sợ đó có thể dẫn tới chứng hoang tưởng. Bởi lẽ, trong quá trình chúng ta tiến hóa tự nhiên, hệ thống thần kinh đã phát triển để nhận ra những hiểm nguy tiềm tàng. Do đó, chúng ta có hai lựa chọn tiến hóa: Hoặc cảnh giác với những nguy hiểm luôn rình rập và sẵn sàng tấn công chúng ta dù ta không nhìn thấy chúng; hoặc tin rằng không có gì nguy hiểm ngay cả khi đang có rất nhiều nguy cơ. Nhân loại thuộc về nhóm đầu tiên, chúng ta đã phát triển khả năng lo lắng quá mức cần thiết nhưng nhờ vậy mà chúng ta đã sống sót.
Bạn cần hiểu rằng chứng hoang tưởng và thổi phồng nguy cơ của ta chính là hành vi thích nghi từ sâu trong bộ gen của chúng ta. Điều duy nhất cần điều chỉnh chính là phải nhận ra mình đang đánh giá quá cao mức độ hiểm nguy khi tai họa xảy đến, trong khi đó lại đánh giá thấp khả năng xử lý mối đe dọa của mình. Chỉ khi nào bạn nhận ra điều này, luôn ý thức rèn luyện khả năng sức bật tinh thần, bạn sẽ luôn ở trong hàng ngũ những người thành công.
Điểm nổi bật của quyển sách này chính là sự dẫn dắt tài tình của Susan Kahn trong việc đưa người đọc tiếp cận một thuật ngữ chuyên ngành tâm lý học phức tạp. Nhờ vào sự liên kết giữa kiến thức chuyên môn và những câu chuyện đời thường, Susan giúp người đọc không chỉ hiểu vấn đề đang được đề cập trong quyển sách, mà còn có thể liên hệ vấn đề đó với thực tế cuộc sống của bản thân và vận dụng những kiến thức mới có được, để tự phân tích và tìm ra giải pháp cho nhiều tình huống phức tạp trong đời.
Thứ duy nhất kìm hãm chúng ta là suy nghĩ và tâm trí của chính mình. Thế nên, nếu chỉ có góc nhìn hạn hẹp thì ta rất dễ rơi vào vòng xoáy tự hủy diệt bản thân và đích đến sẽ là sự thất bại, thối chí. Ngược lại, nếu có thể thay đổi lăng kính nhìn nhận và nắm bắt vấn đề, điều chỉnh tư duy của mình để xem nghịch cảnh chỉ là một trong những tình huống có thể xảy ra, chúng ta sẽ có thể đón nhận những lần vấp ngã của mình như một cánh cửa mở ra cơ hội mới và rèn giũa chính mình trở nên hoàn thiện hơn.
Với kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực tâm lý học và lối diễn đạt súc tích, dễ hiểu, Susan Kahn đã góp phần thay đổi cuộc sống của vô số độc giả trên khắp thế giới, giúp họ trở nên hạnh phúc và thành công hơn thông qua tác phẩm của mình.
- Kate Davies – Giám đốc điều hành của Hiệp hội nhà ở Notting Hill Genesis – đã nhận xét về “Sức bật tinh thần” như sau: “Quyển sách chứa đựng điều mà nhiều người tin rằng chính là bí quyết thành công trong công việc, đó là tâm lý vững vàng và khả năng cưỡi con sóng lớn thay vì gục ngã trong một môi trường đầy biến động”.
- Courtney Carlsson – Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Công ty Công nghệ và Phần mềm Paradym nhận xét: “Sức bật tinh thần là quyển sách cần có trên giá sách của mọi doanh nhân. Tác phẩm của Susan Kahn chứa đầy những lời khuyên và công cụ thực tế dành cho bất kỳ ai muốn hiểu hơn về bản thân, muốn trở thành một nhà lãnh đạo, một đồng nghiệp tốt hơn, hay muốn có cuộc sống cân bằng hơn. Đây không phải quyển sách đơn thuần để đọc mà là một quyển cẩm nang hướng dẫn đem đến cho độc giả không gian để tự suy ngẫm và chiêm nghiệm”.
Tiến sĩ Susan Kahn là nhà tâm lý học kinh doanh: chuyên gia khai vấn, nhà diễn thuyết, người cố vấn và chuyên gia hoà giải. Bà vừa là một người học hỏi trọn đời, vừa là giám đốc chương trình Chứng chỉ Khai vấn sau đại học tại Birkbeck, Đại học Luân Đôn, chuyên giảng dạy phương pháp huấn luyện cho các nhà lãnh đạo. Susan là thành viên đầu tiên của Khoa Kinh doanh tại tổ chức The School of Life, nơi bà giảng dạy và khuyến khích trí thông minh cảm xúc nơi công sở.
Trước khi đạt được thành công ở tác phẩm Bounce Back (Sức bật tinh thần), Susan Kahn đã nổi tiếng với quyển sách đầu tay Death and the City (Cái chết và Thành phố), đề cập đến cảm giác mất mát, buồn rầu và trầm uất tại nơi làm việc, đồng thời là bài nghiên cứu về hồi kết của các tổ chức trong cơn khủng hoảng tài chính. Nghiên cứu sử dụng công cụ quan sát theo phân tâm học này đã nhận được giải thưởng của Viện nghiên cứu Birkbeck.
Bảo Vũ