Ở TP Hồ Chí Minh, biệt danh “hiệp sĩ đường phố” từ lâu đã rất quen thuộc với mọi người. “Hiệp sĩ đường phố” luôn đại diện cho chính nghĩa, là những người không tiếc thân mình, bất chấp cả nguy hiểm cận kề chỉ mong mang lại cuộc sống bình yên cho thành phố của mình. Trong đó, với những người dân sinh sống ở quận Tân Bình nói chung và trên con đường Cách Mạng Tháng 8 nói riêng, cái tên hiệp sĩ Trần Văn Hoàng chính là một tấm gương khi nói về những “hiệp sĩ đường phố” đúng nghĩa.
Nguyên là trưởng nhóm phòng chống tội phạm đường phố quận Tân Bình, ông Trần Văn Hoàng đã dành gần nửa cuộc đời để bắt cướp, bảo vệ cuộc sống của mọi người xung quanh. Hơn 20 năm xả thân với không ít lần cận kề nguy hiểm đến tính mạng, ông Trần Văn Hoàng đã xử lí hơn 500 vụ cướp bóc, trộm tài sản… để bàn giao cho công an.
Căn nhà nhỏ của hiệp sĩ Trần Văn Hoàng treo kín bằng khen sau hơn 20 năm làm “hiệp sĩ đường phố”.
Những tháng ngày hoạt động cùng anh em trong nhóm phòng chống tội phạm đường phố ở quận Tân Bình từ ngày dịch bệnh ập đến ở TP Hồ Chí Minh khiến ông và các anh em cũng phải thay đổi phương thức hoạt động. Từ một hiệp sĩ được người dân tín nhiệm và tin tưởng, suốt nhiều tháng qua, người đàn ông quê Bình Định đã tình nguyện “nhảy việc” để hỗ trợ người dân theo một cách khác.
Mỗi ngày, ông đều khoác lên người bộ đồ bảo hộ mặc thời tiết nắng gắt hay những trận mưa trắng trời làm tình nguyện viên. Ngoài việc phối hợp cùng địa phương trong công tác chống dịch, ông cùng vợ còn trực tiếp tham gia các nhóm tình nguyện để phát cơm, phát nhu yếu phẩm cho người dân. Hình ảnh người hiệp sĩ ngày nào giờ lại được người dân xung quanh gọi là “hiệp sĩ chống dịch”, bắt cướp hay làm tình nguyện viên, ông đều hạnh phúc vì mỗi ngày vẫn còn được dùng sức mình giúp một phần cho xã hội.
Cũng như bao nhiêu gia đình khác, dịch bệnh kéo theo những khó khăn về kinh tế, sinh hoạt gia đình… Vợ chồng hiệp sĩ Trần Văn Hoàng cũng chỉ “liệu cơm gắp mắm” qua ngày trong căn trọ nhỏ thuộc 1 con hẻm ở quận Tân Bình. Tuy công việc mưu sinh bị ảnh hưởng, mỗi tháng lại phải lo số tiền nhà 5 triệu đồng, ông Trần Văn Hoàng và vợ vẫn lạc quan cùng nhau đi hỗ trợ người dân những khu vực bị phong toả cần sự giúp đỡ.
Trải qua biết bao trận vào sinh ra tử, thậm chí đã có những lần ông bị thương nặng đến nỗi tưởng chừng không qua khỏi. Sau tất cả, ông từng nhiều lần cảm thán: “Có lẽ ông trời thương tôi…” và lại giúp đời với cái tâm và niềm hy vọng tương lai sẽ tốt đẹp hơn.
Tấm lòng của hiệp sĩ Trần Văn Hoàng và tất cả những tình nguyện viên đang gồng mình hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là những hình ảnh luôn được người dân trân quý và biết ơn. Nhờ có những con người nhiệt huyết mang tên “tình nguyện viên”, ai cũng có quyền hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi, cuộc sống sẽ trở lại như trước.