Chúng ta có thể đạt đến tâm trí bình lặng và thấu đáo để có thể đương đầu với những thách thức mà thế giới đang đối mặt.
Tỉnh thức là con đường đảm bảo cho chúng ta trải qua quá trình đương đầu này một cách có cân nhắc và thấu suốt, thay vì chỉ phản ứng bản năng, thụ động và thiếu suy nghĩ. Thực hành chánh niệm chính là phương pháp căn bản nhất để đời sống của bạn trở nên tỉnh thức.
Chánh niệm đã được giới thiệu đến khắp nơi, từ những trung tâm chăm sóc sức khỏe, trường đại học cho đến những công ty lớn và cả các nhà tù. Những quyển sách, khóa học trực tuyến, những ứng dụng và hội thảo qua mạng đều hứa hẹn rằng chánh niệm sẽ giúp cải thiện những mối quan hệ cũng như giúp đầu óc hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, giữa mê hồn trận của ứng dụng chánh niệm lên mọi vấn đề trong đời sống con người, chúng ta không biết bám trụ vào đâu để tiếp cận chánh niệm sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Đường về tỉnh thức (tựa gốc What is Mindfulness?) của tác giả Tamara Russell cung cấp cho độc giả những hướng dẫn gần gũi và dễ tiếp cận về chánh niệm – một thuật ngữ phổ biến trong thời gian gần đây nhưng ít người có thể hiểu được đầy đủ. Cuốn sách là một cẩm nang chia sẻ sự hiểu biết bao quát về chủ đề này, cũng như làm sáng tỏ một số nhầm lẫn thường thấy.
Về căn bản, chánh niệm là sự nhận biết sâu sắc những gì bạn đang làm, những gì bạn đang tiếp nhận, nhìn nhận mọi việc như-nó-đang-là mà không phán xét. Khi phát triển khả năng nhận thức sâu sắc này, chúng ta sẽ nhận ra được những tác động của lối hành xử theo thói quen trong đời sống của mình trước đây đã ảnh hưởng thế nào mỗi khi ta kết nối với thế giới xung quanh, với công nghệ và những người khác. Được xem là “siêu nhận thức”, chánh niệm luôn điềm tĩnh, thích tìm hiểu và đầy tình thương.
Chánh niệm đòi hỏi chúng ta cởi mở, cầu thị và thận trọng thay vì tránh né những nguồn cơn gây ra đau khổ cho mình. Việc luôn né tránh một điều gì đó có thể mang lại một cảm giác lừa dối rằng vấn đề đã được giải quyết. Thật ra, điều này cho thấy chúng ta không thể nhìn rõ điều gì đang thật sự xảy ra, và chúng ta bỏ lỡ những thông tin quý báu ở hiện tại vốn có khả năng giúp chúng ta nhìn thấy những chỗ có thể tạo ra thay đổi tích cực. Quan trọng ở đây là gắn kết vào tâm trí bạn những tố chất: kiên trì, nhẫn nại và từ bi. Ẩn dưới sự tránh né có thể là một cảm nhận sâu kín về sự mất mát, hoặc những cảm xúc “mình không xứng đáng”, “mình là kẻ bất tài”. Tuy nhiên, chính nhờ biết gắn kết nhẹ nhàng với thói quen và những nỗi đau sâu thẳm bên trong mà chúng ta có được sự tự do thật sự.
Càng gia tăng khả năng nhận biết, bạn càng nhận ra những mặt khó khăn của chính mình. Chánh niệm cho phép chúng ta không phản ứng ngay trong lúc khó khăn đó. Với những thách thức này, chúng ta có thể ứng phó một cách bình tĩnh hơn. Ngay cả khi mọi việc dường như rất bất ổn, chúng ta vẫn thấy mình có thể đối phó được. Ví dụ, thay vì xem bệnh tật, già và cái chết là những nỗi đau của mỗi cá nhân thì chúng ta phải hiểu rằng đây là số phận của loài người.
Đường về tỉnh thức đã trang bị cho độc giả thứ hành trang thiết yếu của đời sống – đó là sức mạnh để đối diện với khó khăn, khủng hoảng. Điềm tĩnh đón nhận những gì xảy đến với chúng ta, ngay cả khi mọi thứ rất khó khăn, sẽ giúp chúng ta thấy rõ những gì đang thật sự xảy ra, chứ không phải những gì mình nghĩ là đang xảy ra. Với tư duy ít bị kích động và ít phản ứng hơn này, chúng ta có thể đưa ra chọn lựa hợp lý hơn về những gì cần làm tiếp theo dựa trên các sự kiện có thật. Chúng ta thấy mình có thể tạo ra sức ảnh hưởng ở những điểm nào, từ đó có những hành động phù hợp với các mục tiêu lớn hơn của bản thân.
Việc học hỏi sẽ trở nên dễ dàng nhất nếu chúng ta có nhiều tình thương hơn, ít chỉ trích và phán xét hơn mỗi khi bản thân ta hoặc người khác phạm sai lầm. Khi không sợ bị phê phán, chúng ta sẽ cởi mở và sáng tạo hơn. Từ đó, ta có thể tạo ra những giải pháp mới hiệu quả hơn khi đối mặt với những thách thức, trở ngại trong cuộc sống, bởi ta đã biết cách nhận thức mọi thứ trong sự toàn vẹn mà không đánh giá một cách chủ quan.
Là một tiến sĩ về khoa học thần kinh và nhiều năm có kinh nghiệm nghiên cứu lâm sàng nên những kiến thức về não bộ con người đã bổ trợ rất lớn cho những nghiên cứu và bài tập thực hành mà tác giả đã nêu ra trong sách.
Ngoài những bài thực hành chánh niệm dễ hiểu, tác giả còn chỉ ra rằng: “Rèn luyện chánh niệm về cơ bản là học cách tự chăm sóc bản thân, nhưng buồn thay việc này lại hiếm khi là một ưu tiên trong phong cách sống hiện đại vốn bận rộn của chúng ta. Hãy suy ngẫm một chút về thời khóa biểu của mình tuần trước. Bao nhiêu hoạt động của bạn có tính chất nuôi dưỡng cho thân-tâm bạn khỏe mạnh, tích cực? Bao nhiêu hoạt động làm bạn suy kiệt? Khi các dự án công việc trở nên quá nhiều hoặc một điều gì đó bất ngờ ập đến, bạn có nhanh chóng gạt bỏ những hoạt động “nạp nhiên liệu” như tập gym, gặp gỡ bạn bè, nghỉ ngơi, thư giãn? Sự thật trớ trêu là những thứ giúp bạn đương đầu khi bị áp lực đè lên thường bị gạt sang một bên ngay khi bạn cần đến chúng nhất. Đây chính là những lúc để chúng ta dừng lại một chút, tập trung ý nghĩ và dành thời gian cho thực hành chánh niệm”.
Về cơ bản, chánh niệm có thể thay đổi cách chúng ta kết nối với cơ thể và tinh thần của mình cũng như cách kết nối giữa con người với nhau. Chính chất lượng của sự kết nối này sẽ quyết định bạn có hạnh phúc và thành công hay không.
Tiến sĩ Tamara Russell là một chuyên gia tâm lý lâm sàng dày dạn kinh nghiệm, một võ sư và là một nhà khoa học thần kinh, người đã mang một triển vọng độc đáo và đa chiều vào việc giảng dạy, suy nghĩ, trị liệu và nghiên cứu chánh niệm.
Hiện nay, ngoài vai trò là giám đốc của The Mindfulness Centre of Excellence ở London và là giảng viên thỉnh giảng tại trường Đại học King’s College London, bà còn là một chuyên gia tư vấn, huấn luyện viên và diễn giả về chánh niệm và cách sống tỉnh thức trong nhiều môi trường khác nhau, trong đó nổi bật nhất là giáo dục và sức khỏe.
Gia Huy