Khi ông hoàng của trường phái nghệ thuật siêu thực Salvador Dalí đưa hình ảnh con tôm hùm điểm xuyết lên nền một chiếc đầm suông trắng, ông muốn truyền tải dấu ấn khiêu khích. Và quả thật, Dalí đã làm nên chuyện. Bộ sưu tập thời trang do họa sĩ gốc Tây Ban Nha hợp tác thực hiện năm 1937 cùng nhà thiết kế nữ tiên phong Elsa Schiaparelli từng khiến công chúng quốc tế xôn xao bàn tán. Mẫu đầm lụa bó eo họ cho ra mắt ít lâu sau đó được Wallis Simpson – nữ công tước xứ Winsor – mặc đã xuất hiện trên tạp chí Vogue. Thiết kế độc đáo ấy nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trong giới thời trang. Song Dalí chưa thật thỏa mãn. Ông nghĩ chiếc váy vẫn thiếu một điểm nhấn nhỏ sau cùng: vài giọt sốt mayonnaise bên cạnh con tôm hùm đỏ.
Một số đề cử thuộc bộ sưu tập siêu thực độc đáo từ thương hiệu Schiaparelli Xuân – Hè 2021
Hẳn chúng ta khó hình dung vì sao một con tôm hùm vẽ trên chiếc đầm lại là vấn đề đáng thảo luận. Kiểu họa tiết tương tự ngày nay dễ dàng thấy khắp nơi, tạo điểm nhấn cho chiếc áo khoác nữ tính hay đôi giày thể thao. Trong sự kiện trình diễn Xuân – Hè 2020, nhà thiết kế nổi tiếng người Đan Mạch Henrik Vibskov tái hiện chuỗi hình sinh vật biển với tông đỏ và hồng sống động. Tương tự, Louis Vuitton từng giới thiệu bộ sưu tập áo khoác lông ấn tượng, trang trí bằng những chú tôm hùm nhồi bông ở sô thời trang nam Thu – Đông 2020.
Để họa tiết phá cách trở nên phổ biến trong văn hóa thời trang đương đại, Siêu thực – phong trào nghệ thuật tiên phong khởi nguồn từ đầu thế kỷ XX – đóng góp một phần ảnh hưởng không nhỏ. Khai thác chủ đề những giấc mơ, với tiêu chí thúc giục nghệ sĩ mở rộng kỹ thuật sáng tác (đặt cạnh nhau một số chủ thể – hoa văn tương phản hay lồng ghéo thơ văn vào mỹ thuật), nghệ thuật siêu thực mong muốn khai phá trí tưởng tượng, kích thức sức sáng tạo không biên giới trong mỗi người.
Bộ sưu tập thời trang siêu thực của Schiaparelli
Siêu thực bắt đầu trở thành trào lưu văn học, mỹ thuật, sau đó dẫn lan rộng tới hàng loạt địa hạt văn hóa nghệ thuật khác, bao gồm thời trang, kể từ thập niên 1920. Cuộc gặp gỡ đầy nhân duyên giữa Schiaparelli và Dalí ở Paris trong thập niên kế tiếp đánh dấu cột mốc nổi bật đầu tiên của thời trang siêu thực. Cùng với nữ nghệ sĩ bậc thầy Méret Oppenheim, họ cho ra đời những thiết kế đáng kinh ngạc: giày “nón”, găng tay với họa tiết mạch máu, mẫu váy “nước mắt”, chiếc váy lụa “tôm hùm”.
Đồng hương của Dalí, họa sĩ Joan Miró, ghi dấu ấn không kém khi cộng tác cho đoàn múa ballet danh tiếng Ballet Russes, vẽ trang phục sân khấu với tạo hình táo bạo, rực rỡ. Tại Mỹ, nghệ sĩ thị giác, nhiếp ảnh gia tài hoa Man Ray tiếp bước trào lưu khi kết hợp cùng nữ người mẫu Lee Miller sáng tạo nên loạt ảnh thời trang đậm sắc thái siêu thực, cuốn hút.
Rất nhiều dự án nói trên, vốn ban đầu chỉ được xem là thử nghiệm nghệ thuật, giờ đây lại hòa vào xu hướng thời trang toàn cầu. Mẫu đầm đen bó sát với họa tiết xương sống nhấn eo của Schiaparelli, ra mắt năm 1938, đã tạo cảm hứng cho đông đảo nhà mốt hiện đại như Alexander McQueen hay nghệ sĩ trang sức Shaun Leane – khuyến khích việc sử dụng những chi tiết mô phỏng hình thể táo bạo, đa sắc trong nghệ thuật may mặc.
Viktor & Rolf là ví dụ xuất sắc về những thiết kế kì quái
Vài năm trở lại đây, giới tạo mẫu càng có khuynh hướng ưu ái trào lưu siêu thực. Một số thương hiệu danh tiếng đã nhờ đến những họa sĩ siêu thực tài năng làm nguồn lực sáng tạo. Sô diễn Thu – Đông 2019 của nhà thiết kế nữ Simone Rocha lấy cảm hứng từ họa sĩ, nhà điêu khắc Louise Bourgeois, là sự tiếp cận thẳng thắn, táo bạo trước đề tài nữ quyền qua series phục trang và phụ kiện trang sức nổi bật. Ngoài ra, một số bộ sưu tập minh chứng cho mối duyên gắn bó giữa thời trang và mỹ thuật siêu thực, còn ẩn chứa nét đẹp nữ quyền đa dạng thông qua nỗ lực vinh danh nhiều nghệ sĩ nữ bậc thầy.
Vào năm 2018, thương hiệu Christian Dior đã mang đến người xem một thế giới siêu thực, thông qua trường phái nghệ thuật trừu tượng. Tái hiện bàn cờ vua tại bảo tàng Musée Rodin, Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri cũng muốn phá vỡ quy chuẩn về cụm từ “Haute Couture” (thời trang cao cấp). Bà đã sắp đặt chiếc lồng chim khổng lồ, những bức rèm trắng đan xen cùng các bức tượng về bộ phận trên cơ thể con người, như muốn nói lên ước mơ được thoát khỏi khuôn khổ gò bó của phái nữ trong xã hội hiện đại.
Hay Viktor & Rolf là ví dụ xuất sắc về những thiết kế kì quái nhưng vẫn khiến người ta phải chăm chú theo dõi. Tự mô tả mình là những nghệ sĩ thời trang, Viktor Horsting và Rolf Snoeren không ngừng đưa ra những sáng tạo mới và nghệ thuật trừu tượng đang làm cho hai nhà thiết kế mê mẩn. Màu trắng cùng những khối cắt 3D thể hiện những gương mặt kì quái buồn, vui, giận và như thể đang phiêu diêu trong không gian.
Những khối cắt 3D và màu trắng của Viktor & Rolf như đưa người xem vào không gian vũ trụ
Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri đã tìm đến với Leonor Fini nhằm mang tới nguồn cảm hứng cho người phụ nữ. Fini là một trong những nghệ sĩ có tác phẩm avant-garde mà nhà thiết kế quá cố Christian Dior lựa chọn, để trưng bày trong phòng tranh riêng. Chia sẻ với truyền thông, Maria cho biết: “Cô ấy sử dụng hình ảnh của mình để trở nên mạnh mẽ. Chủ nghĩa siêu thực nói về những giấc mơ vô thức và khơi gợi về cơ thể phụ nữ. Nó rất gần với thời trang”.
Gần đây, một loạt thương hiệu đình đám từ Dior, Valentino, Prada đến Victoria Beckham tiếp tục quảng bá cho thời trang siêu thực. Tiêu biểu thuộc dòng sản phẩm thời trang may sẵn là series áo, váy năng động in họa tiết đôi môi đỏ mang dấu ấn Man Ray của Victoria Beckham và Prada. Nhà mốt Schiaparelli, kế thừa danh tiếng Elsa Schiaparelli, phác họa sắc màu siêu thực đặc thù của hãng qua sô diễn Xuân – Hè 2021 ấn tượng. Chương trình giới thiệu bộ sưu tập Jumpsuit, váy xẻ tà tay bồng, đầm bó phối nơ hồng gợi cảm đi cùng nhiều chi tiết cắt may phá cách.
Một thiết kế của Iris Van Herpen mùa Thu Đông 2019
Thời trang thường được xem là chứng nhân phản ánh những biến động lịch sử. Khi đại dịch toàn cầu bùng phát, không ít thương hiệu buộc phải thay đổi để thích nghi, để giữ vững chỗ đứng trước vô vàn thách thức. Trong bối cảnh như thế, một số nhà thiết kế lại tìm về trào lưu siêu thực nhằm tiếp cận gần hơn những mong ước hiện thực. Không chỉ giới tạo mẫu cao cấp, các thương hiệu bán lẻ có mức giá phổ thông cũng bày bán sản phẩm ít nhiều biểu thị dấu ấn siêu thực, với đường may, hoa văn và điểm nhấn táo bạo, sống động hơn.
Như Dalí từng giải thích: “Điều tôi cố làm là dệt nên những giấc mơ, những thử nghiệm mầu”. Ngay lúc này, nhiều người trong chúng ta hẳn thấy đôi chút đồng cảm trước phát ngôn ấy.
Bảo Hưng