Triển lãm cá nhân lần thứ 7 của HS Bùi Chát do J Art Space tổ chức, thực hiện mang tên “Những hiện diện vô hình” trưng bày 13 tác phẩm sẽ chính thức khai mạc lúc 18 giờ ngày 18/5/ 2024 đến hết ngày 2/6/2024, tại J Art Space (30 Đường số 10, Thảo Điền, TP.Thủ Đức), TP.HCM.
Triển lãm dự tính khai mạc vào ngày 23/4, đúng “Ngày sách thế giới”, nhưng do vài khó khăn khách quan, phải dời mãi đến ngày 18/5/2024.
Về triển lãm này, hoạ sĩ Bùi Chát trong statement đã viết: “Sách vừa là vật liệu, vừa là chất liệu, vừa là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật của tôi.
Là một người gắn bó với sách hơn 20 năm, ăn ngủ với sách, sống chết với sách. Tôi hiểu những niềm vui và nỗi buồn của sách.
Những lúc khó khăn tưởng như có thể buông xuôi, sách lại là nguồn động viên và thường có mặt kịp thời trước những ý định dại dột.
Sách bên tôi. Vô hình. Như những quý nhân không lộ diện.
Tôi luôn trân trọng và biết ơn.
Những hiện diện vô hình!
Một triển lãm nhằm ghi dấu kỉ niệm.
Với sách”.
Triển lãm “Những hiện diện vô hình” trưng bày tổng cộng 13 tác phẩm, trong đó gồm 12 bức tranh chất liệu tổng hợp (mixed media painting) với sách là thành phần chính, và 1 tác phẩm sắp đặt (installation art).
12 bức tranh trong triển lãm Những hiện diện vô hình của Bùi Chát đều là những tác phẩm trừu tượng với chất liệu tổng hợp trên gỗ (Mixed media on wood), bao gồm: gỗ, sách, đinh, vít, acrylic, sơn dầu, sơn phun, keo silicon…
Tác giả sử dụng một số kỹ thuật của trường phái Dada, kết hợp với Hội họa Tình huống để tạo ra các tác phẩm trừu tượng bằng cách lắp, ghép, đính, dán, đóng… các vật liệu (sách) lên mặt tranh một cách ngẫu nhiên, với độ dày, mỏng, thưa, kín tùy hứng. Sau cùng tương tác với màu sắc và bố cục nhằm tạo ra những hiệu ứng thị giác bất ngờ, với thật nhiều cảm xúc hỗn độn…
Tác phẩm sắp đặt chỉ là một kệ sách bình thường như mọi kệ sách thường thấy, nhưng tất cả đều được sơn phủ một màu trắng tinh tuyền- kể cả sách. Và tác phẩm được đặt ở một góc khuất khá khiêm tốn trong không gian triển lãm.
Tuy vậy, theo Nhà Phê bình Mỹ thuật Nguyên Hưng, đây là tác phẩm “đáng chú ý nhất” trong triển lãm: “Nó thể hiện cái nhìn thông minh với những suy tư sâu sắc của Bùi Chát về sách.
Đó không còn là một thế giới sự vật, đồ vật mà người ta có thể trưng bày hay đốt bỏ. Đó là một thế giới siêu hình của những ý nghĩa và giá trị. Đó là thế giới, trong đó, người ta có thể xuôi ngược các chiều kích không gian và thời gian của lịch sử văn minh và tinh thần nhân loại. Đó là cánh cổng mở ra nhiều chiều, không chỉ đưa người ta lên thiên đàng, mà còn có thể dẫn người ta xuống địa ngục. Đó là khung cửa sổ mở ra nhiều chiều, hướng tầm mắt con người ta ra bầu trời quang đãng của tự do, mà còn có thể hướng tầm mắt con người ta vào ngục tối của thành kiến và sự bảo thủ…
Cái kệ sách được phủ toàn bộ bằng màu trắng này, là một sự “hiện diện vô hình” buộc người xem phải nghiền ngẫm về cái nội hàm văn hoá và tư tưởng ẩn sâu trong thế giới sách…”.
Còn về 12 bức tranh chất liệu tổng hợp lấy sách làm thành phần chính, theo Nhà Phê bình Mỹ thuật Nguyên Hưng: “Đúng như Bùi Chát tự bạch, sách ở đây, vừa là vật liệu, vừa là chất liệu, vừa là nguồn cảm hứng. Vật liệu để tạo hình, chất liệu để thể hiện các cảm nhận và suy tư về sách, và tất cả nhằm biểu hiện các cảm xúc trữ tình thế sự và siêu hình nơi chính anh về văn hoá đọc, về môi trường văn hoá xã hội nói chung…
Sách ở đây, không quan trọng là sách gì, có nội dung ra làm sao. Đó đơn giản chỉ là sách. Những cuốn sách Bùi Chát lấy ra từ kho sách nhà mình. Trong đó, có những cuốn sách còn mới tinh, có những cuốn sách cũ nát, có những cuốn sách bị xé rách, có những cuốn sách bị ngập nước cong vênh, có những cuốn sách bị mối mọt ăn lỗ chỗ… Sự khác nhau này, trước hết, là sự khác nhau ở bề mặt vật liệu tạo thành những tình huống khác nhau trong hình thức tạo thành tác phẩm. Nhưng quan trọng hơn, đó còn là những chỉ hiệu khác nhau, biến sách thành chất liệu cấu thành một ‘trạng thái hiện hữu’ của tác phẩm, mở ra nhiều liên tưởng, suy tưởng khác nhau nơi ngườixem…”.
Theo Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng:Những cuốn sách được Bùi Chát đưa vào tác phẩm nghệ thuật đều là những cuốn sách bị ẩm ướt hoặc mối mọt, hư hại…
Bùi Chát cảm thấy có lỗi nếu mang tất cả những cuốn sách này đi tiêu huỷ, anh tìm cách đem chúng vào nghệ thuật để phần nào bù đắp lại những tổn thương mà những cuốn sách đã phải chịu đựng.
Anh cho rằng mỗi một cuốn sách đều có đời sống riêng của nó, nếu không biết quan tâm và hành xử đúng mực, chúng sẽ bị thiệt thòi.
Triển lãm có thể được xem là một chuỗi hành vi mang tính tượng trưng cho việc bù đắp những mất mát do sự thiếu sót và bất cẩn gây ra với những gì mình yêu quý.
Bùi Chát đã sử dụng hơn 1.500 cuốn sách để tạo nên tácphẩm sắp đặt có tên Bước xuống cầu thang,tác phẩmbắt đầuvới vô số sáchtừ cửa một thư viện cũ nằm trên lầu, chạy dài đổ xuống cầu thang rồi chảy ra hai hướng: một ra phía ngoài đường, hướng kia vào phòng triển lãm.
Bước xuống cầu thang được gợi hứng từ bức tranh Khỏa thân bước xuống cầu thang (Nude Descending a Staircase, No.2) của Marcel Duchamp, cũng như từNgày sáchvà văn hóa đọcViệt Nam .
Trong hình dung của người thưởng ngoạn, 1.500 cuốn sách đổ xuống cầu thang với nhiều tư thế: ngả, nghiêng, bấp bênh, cuộn tròn, lật, úp… không phải là một hình ảnh tĩnh, nó mang dáng dấp của sự chuyển động, một vận động của cả tập thể sách trong nỗ lực di chuyển khỏi một nơi mô phạm, tù tùng, thiếu dưỡng khí… hòng tìm kiếm một không gian mới đầy sức sống và chắc chắn mang lại nhiều ý nghĩa”.
Trước triển lãm cá nhân lần thứ bảy này của hoạ sĩ Bùi Chát, nhiều người có thể ngạc nhiên-“làm gì mà triển lãm lắm thế”, nhưng cũng theo Nhà Phê bình Nguyên Hưng: “Riêng tôi, tôi ủng hộ triển lãm này, cũng như đã ủng hộ kiểu triển lãm liên tục của Bùi Chát.
Bùi Chát triển lãm liên tục, không phải để kiếm ‘cơ hội bán tranh’, hay để ‘sớm định vị thương hiệu’ như thỉnh thoảng tôi vẫn nghe người này người kia nói. Tuy mới ‘xuất hiện’ nhưng nghệ thuật Bùi Chát là ‘một quá trình’ tìm kiếm và sáng tạo với tinh thần tự do rất đáng chú ý… Mỗi triển lãm của Bùi Chát, là một trình hiện nghệ thuật khác…”.
Cũng như với 6 lần triển lãm trước, tất cả các bức tranh trong triển lãm Những hiện diện vô hình lần này đều không được đặt tên. Theo tác giả, vì không muốn áp đặt hay định hướng cách hiểu nghệ thuật cho công chúng nên anh không muốn đặt tên cho tác phẩm, ngoài ra với Bùi Chát thì một cái tên cụ thể nào đó sẽ không bao giờ diễn đạt được diễn biến thực sự của các tình huống.
Triển lãm diễn ra tại J Art Space – 30 đường số 10, Thảo Điền, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh từ ngày 18/5 đến ngày 2/6/2024.
NHỮNG HIỆN DIỆN VÔ HÌNH
Họa sĩ:Bùi Chát(BùiQuang Viễn)
Giám tuyển: Lý Đợi
Tổ chức – Thực hiện: J Art Space
Khai mạc lúc 18h ngày18/05/2024tại J Art Space (30 Đường số 10, Thảo Điền, TP.Thủ Đức)
Triển lãm kéo dài đến ngày 2/6/2024.
Gia Bảo