Tối 13/4, Lễ bế mạc Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) lần 1 tại TP.HCM với chủ đề “Du hành thời gian – Time travel” đã diễn ra tại Nhà hát TP.HCM.
Sau hơn một tuần sôi nổi với nhiều suất chiếu phim và hoạt động văn hóa đa dạng, Liên hoan phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) lần thứ nhất đã khép lại, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. HIFF đã nhanh chóng trở thành một nền tảng đáng chú ý cho điện ảnh khu vực và toàn cầu.
Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Ông Dương Anh Đức- Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh…
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Trần Thế Thuận, GĐ Sở VH&TT TP.HCM cho biết, với sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các đơn vị thực hiện, Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài; quá trình thực hiện chặt chẽ, chuyên nghiệp và hiệu quả. Liên hoan phim đã cho thấy sự sáng tạo, năng động, linh hoạt trong điều hành; sự hợp tác đa dạng và hiệu quả giữa nhà nước với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh trong và ngoài nước.
Với hơn 300 tác phẩm, dự án ở các thể loại từ 29 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 200 khách mời quốc tế và Việt Nam tham gia các hoạt động, Liên hoan phim rất vui mừng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các chuyên gia, nhà làm phim và đội ngũ nghệ sĩ trong và ngoài nước. Ngoài chương trình chiếu phim, chấm giải, thì hoạt động hội thảo, toạ đàm là một trong những điểm nhấn quan trọng trong khuôn khổ Liên hoan phim. Với nhiều nội dung liên quan chiến lược phát triển Điện ảnh thành phố và Việt Nam với sự tham gia của nhiều diễn giả, nhà quản lý, các cơ quan nhà nước, các nghệ sĩ, trong đó những nội dung về xúc tiến, phát triển công nghiệp điện ảnh, về hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua điện ảnh được các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận một cách chuyên sâu và đạt chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các hoạt động triển lãm về điện ảnh chủ đề “Vẻ vang 77 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam” và triển lãm Công nghiệp Điện ảnh; hoạt động chiếu phim công cộng kết hợp trình diễn nghệ thuật; giao lưu các đoàn làm phim, các diễn viên, đạo diễn, ca sĩ…nổi tiếng qua các thời kỳ tại đường đi bộ Nguyễn Huệ; khu vực công viên bờ sông Sài Gòn – Thành phố Thủ Đức cũng là những hoạt động đáng chú ý trong Liên hoan phim, tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng của Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.
“Với tinh thần học hỏi, lắng nghe, cầu thị, tiếp thu một cách phù hợp với thực tế của một Liên hoan phim đầu tiên còn nhiều mới mẻ; với quyết tâm cao độ, làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng Cố vấn, Hội đồng Giám khảo ở các hạng mục phim, các thành viên Tổ thư ký , Tổ giúp việc và gần 400 tình nguyện viên của Liên hoan phim; đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp về mọi mặt của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các cơ quan ngoại giao, các sở, ban, ngành và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần kiến tạo nên Liên hoan phim quốc tế lần đầu tiên đạt những thành công đáng khích lệ”- Ông Trần Thế Thuận bày tỏ.
Liên hoan phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) lần thứ nhất đã đạt được những con số ấn tượng, khẳng định sự thành công rực rỡ của sự kiện này trong lịch sử điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ liên hoan, gần 100 bộ phim đã được trình chiếu, phần lớn là các bộ phim công chiếu lần đầu tiên tại Việt Nam. Đặc biệt, ba bộ phim có sự ra mắt toàn cầu tại liên hoan là Doku (Đức), Dead Boy Clubs (Bộ tứ âm binh), Home Is Where The Startfuit Tastes Sour (Quê Hương Chùm Khế Chua). Ngoài ra, ‘Bolero’ và ‘It’s Okay’ là hai bộ phim được giới thiệu lần đầu tại Châu Á, phim bế mạc Perfect Days cũng được trình chiếu sau khi tham dự Oscar.
Một số phim khác cũng lần đầu tiên được công chiếu tại Đông Nam Á. Điều đặc biệt là hai tác phẩm điện ảnh Việt Nam nổi tiếng “Mùa len trâu” (kỷ niệm 20 năm phát hành) và “Cánh đồng hoang” đã được số hóa và trình chiếu, làm phong phú thêm chương trình phim của liên hoan, giúp khán giả trẻ Việt Nam có cơ hội được tiếp cận các bộ phim kinh điển của Điện ảnh Việt.
Sự kiện diễn ra tại 13 rạp chiếu phim trong nhà và hai địa điểm ngoài trời đặc sắc là Phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên Cine Park Thủ Thiêm – Thành phố Thủ Đức, mang đến gần 200 suất chiếu, trong đó có 14 suất chiếu đặc biệt ngoài trời, thu hút sự chú ý của công chúng. Hơn 20,000 khán giả đã tham dự trực tiếp các suất chiếu phim, trong khi tổng số khán giả tham gia các hoạt động của liên hoan lên đến hơn 250,000 người, chưa kể hàng triệu khán giả theo dõi qua các nền tảng trực tuyến và trực tiếp trên HTV.
Trong 8 ngày diễn ra, HIFF tổ chức 73 sự kiện, 14 phiên hội thảo toạ đàm và 10 lớp học chuyên môn, thu hút gần 200 khách mời quốc tế từ các nền điện ảnh lớn trên thế giới. Các chương trình này không chỉ là cơ hội để giao lưu, học hỏi mà còn là cầu nối để thúc đẩy hợp tác sản xuất và phát triển điện ảnh giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. HIFF đã thực sự trở thành một sự kiện điện ảnh đáng nhớ, đánh dấu sự phát triển không ngừng của điện ảnh Việt Nam và khẳng định vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh như một trung tâm văn hóa – nghệ thuật sôi động và hấp dẫn.
Liên hoan phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ không chỉ về quy mô mà còn ở chất lượng chuyên môn qua từng hoạt động. Đáng chú ý, chất lượng của các bộ phim tranh giải và chiếu trong các buổi gala đã nhận được sự đánh giá cao từ Hội đồng nghệ thuật, Ban giám khảo và khán giả. Điểm nhấn đặc biệt là việc giới thiệu các bộ phim lớn mới ra mắt toàn cầu hoặc tham dự các Liên hoan phim lớn trên thế giới, qua đó nâng tầm sự kiện lên một đẳng cấp mới.
Việc giám tuyển tốt đã đưa đến LHP những tác phẩm với chất lượng tốt, nhiều phim đã từng dự các LHP quốc tế khác nhau, đem lại một cái nhìn đa dạng về những vấn đề của đời sống đương đại ở các quốc gia khác nhau về địa lý, thể chế, nhưng cùng chung một mục đích: tìm kiếm, phát hiện, mô tả và chia sẻ những trạng thái, thân phận con người trong môi trường mà họ đang sống, đều hướng đến mục đích cuối cùng là mưu cầu cuộc sống nhân văn, hạnh phúc.
Sự tham gia của các diễn giả quốc tế từ các nền điện ảnh lớn như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã mang lại giá trị chuyên môn sâu. Các vị khách mời danh tiếng như Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, Giám đốc Cơ quan điện ảnh Quốc gia Pháp, và các giám đốc của nhiều liên hoan phim quốc tế đã thảo luận về những cách thức hợp tác sản xuất mới và chuyển giao chuyên môn. Đặc biệt là thu hút rất nhiều các chuyên gia là kiều bào đang sinh sống tại một số quốc gia trên thế giới. Họ là các nhà sản xuất, đạo diễn có nhiều thành công trên lĩnh vực Điện ảnh, đã trở về quê hương để tìm hiểu về cách thức hợp tác sản xuất, chuyển giao chuyên môn. Những chuyên gia này đã tham gia chia sẻ và đóng góp những ý kiến cho việc phát triển Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam, vai trò của ngoại giao văn hoá thông qua điện ảnh, ….
Một hoạt động rất được quan tâm là Hội nghị lãnh đạo điện ảnh Đông Nam Á đã diễn ra với nhiều thảo luận về tương lai của điện ảnh khu vực, mở ra nhiều dự án hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Các khách mời là những nghệ sỹ tên tuổi như đạo diễn Kore Eda, Ane Fontaine, Kim Jee-woon, Kim Han-min, và dựng phim Tom Cross đã tạo nên không khí điện ảnh sôi động, làm phong phú thêm trải nghiệm học hỏi cho những người làm chuyên môn.
Chợ dự án và Vườn ươm kịch bản trong năm đầu tiên đã vượt qua kỳ vọng với 58 dự án phim và 87 kịch bản phim được đăng ký. Qua đó, 15 dự án và 10 kịch bản đã được chọn để tiến vào vòng hướng dẫn và thuyết trình. “Chợ dự án” đã cho thấy rõ hai dòng phim tác giả và phim thương mại, đón nhận các dự án từ nhiều nước trên thế giới, trong khi “Vườn ươm kịch bản” tập trung vào thị trường Việt với hai hạng mục Phim và Series.
Trải qua 8 ngày diễn ra (từ 6 đến 13-4) với nhiều hoạt động, Ban tổ chức đã chấm 46 tác phẩm dự thi (24 tác phẩm hạng mục phim ngắn, 11 tác phẩm hạng mục phim đầu tay hoặc phim thứ hai xuất sắc và 11 tác phẩm cho hạng mục phim truyện điện ảnh Đông Nam Á xuất sắc nhất – Giải Ngôi sao vàng).
Các giải thưởng bao gồm giải Sao vàng (Golden Star) dành cho phim Đông Nam Á xuất sắc nhất, giải Nhà làm phim trẻ xuất sắc nhất (Best Emerging Director), giải Phim ngắn xuất sắc nhất, giải thưởng Phim TP.HCM.
Trong đêm bế mạc, giải thưởng quan trọng nhất của HIFF 2024 – Phim truyện điện ảnh Đông Nam Á xuất sắc nhất – Giải Ngôi sao vàng – được trao cho bộ phim The Gospel of the Beast (Phúc âm thư của quái thú). Bộ phim được đánh giá đã soi rọi vào cuộc sống của các thanh niên Philippines phải đối diện với sự hỗn loạn của bạo lực với những hình ảnh và cách quay đẹp mắt, sáng tạo. Phim cũng tạo một thế giới nơi người xem cảm nhận được tình yêu thương của gia đình, sự ấm áp của tình bạn.
Bộ phim Oasis of Now (Những nấc thang sẻ chia) của Malaysia mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Chee Sum Chia và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Tạ Thị Dịu.
Last Shadow at First Light của Singapore cũng là cái tên được vinh danh ở nhiều hạng mục như Giải Hội đồng giám khảo dành cho Phim Đông Nam Á, Kỹ xảo hình ảnh xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất.
Trong năm đầu tiên tổ chức, HIFF cũng trao giải Phim Thành phố Hồ Chí Minh xuất sắc cho Song Lang của đạo diễn Leon Lê.
Danh sách giải thưởng Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần 1- năm 2024
Hạng mục phim truyện điện ảnh Đông Nam Á xuất sắc nhất:
Ngôi sao vàng: Phúc âm thư của quái thú (The gospel of the beast) của Philippine
Hạng mục phim được giám khảo lựa chọn: Đêm tối trước bình minh (Last shadow at first lig Singapore, Nhật Bản và Xlô-ven-nia) và Trò chơi kỳ lạ (Alien0089) của Chi-lê, Ác-hen-ti-na
Hạng mục phim ngắn xuất sắc: Chuyện nàng Leila (Thụy Điển)
Hạng mục phim đầu tay hoặc thứ hai xuất sắc nhất: Người giao hàng đêm (Night courier) của Ả Rập Xê Út và phim Hồn gió (Night courier) của Pháp
Hạng mục phim về TP.HCM xuất sắc: Song Lang của Leon Lê
Ngoài ra còn có các giải thưởng cá nhân:
Kỹ xảo xuất sắc nhất: Last shadow at first light (Đêm tối trước bình minh, Singapore, Nhật Bản và Xlô-ven-nia)
Thiết kế xuất sắc nhất: Tenement (Mượn xác, Cam-puchia)
Âm thanh xuất sắc nhất: 13 bombs (Mười ba ngòi nổ, Indonesia)
Quay phim xuất sắc nhất: Last shadow at first light (Đêm tối trước bình minh, Singapore, Nhật Bản và Xlô-ven-nia)
Nhạc phim xuất sắc nhất: Blue imagine (Hi vọng thẳm xanh, Nhật Bản, Phi-lip-pin)
Kịch bản xuất sắc nhất: Last shadow at first light (Đêm tối trước bình minh, Singapore, Nhật Bản và Xlô-ven-nia)
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Mark Lee (phim Wonderland – Thiên đường, Singapore)
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Tạ Thị Dịu (Phim Oasis of now – Những nấc thang sẻ chia, Malaysia, Singapore và Pháp)
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Peter Yu (Phim Wonderland – Thiên đường, Singapore)
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Rawipa Srisanguan (phim Solids by the seashore – Nơi sóng không vỗ bờ, Thái Lan)
Quay phim xuất sắc nhất: Last shadow at first light (Đêm tối trước bình minh, Singapore, Nhật Bản và Xlô-ven-nia)
Dựng phim xuất sắc nhất: 13 bombs (Mười ba ngòi nổ, Indonesia)
Âm thanh xuất sắc nhất: 13 bombs (Mười ba ngòi nổ, Indonesia)
Thiết kế xuất sắc nhất: Tenement (Mượn xác, Campuchia)
Kỹ xảo xuất sắc nhất: Last shadow at first light (Đêm tối trước bình minh, Singapore, Nhật Bản và Xlô-ven-nia)
Nhạc phim xuất sắc nhất: Blue imagine (Hy vọng thẳm xanh, Nhật Bản, Phi-lip-pin)
Đạo diễn xuất sắc nhất: Chee Sum Chia (Phim Oasis of now- Những nấc thang sẻ chia, Ma-lay-xia, Xing-gapo và Pháp)
Trao giải Vườn ươm kịch bản và chợ dự án
Trước đó lễ trao giải hạng mục Vườn ươm kịch bản (VietScript Lab) và Chợ dự án (Project Market) trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần 1 cũng đã diễn ra vào tối 12-4.
Tổng cộng có 56 dự án tham gia Chợ dự án và 87 kịch bản tham gia Vườn ươm kịch bản Việt.
Trong đó, ở hạng mục Chợ dự án chỉ có 10 dự án gồm 5 phim nghệ thuật và 5 phim giải trí tham gia vòng đào tạo hướng dẫn và trình bày trước các quỹ đầu tư và các studio để tranh giải.
Kết quả, dự án Green Valley And The Amber Marbles (đạo diễn Vũ Nguyễn Nam Khuê, nhà sản xuất Phạm Minh Hằng) thắng giải Dự án phim giải trí.
Dự án Other People’s Dreams (đạo diễn Daniel Hui, NSX Sophia Sim & Si En Tan) nhận giải Dự án phim nghệ thuật.
Hai hạng mục này, mỗi hạng mục trị giá 5.000 USD.
Đối với hạng mục Vườn ươm kịch bản Việt được dẫn dắt bởi 2 đạo diễn Charlie Nguyễn và Phan Gia Nhật Linh, có 11 biên kịch bước vào đường đua tìm ra dự án xuất sắc của hạng mục TV series và Feature TV.
Cụ thể, hạng mục phim điện ảnh, giải nhất thuộc về kịch bản Câu chuyện gọi là đức tin (Đặng Phương Anh).
Hai kịch bản Kết quả (Trung Kiên) và Tấm và hoàng hậu (Phát Nguyễn) nhận giải khuyến khích.
Ở hạng mục TV series, giải nhất thuộc về biên kịch Quản Phương Thanh (phim Chuẩn cơm mẹ nấu) và 2 giải khuyến khích trao cho biên kịch Stefanio Võ (phim Thần tượng tâm thần) và biên kịch Nguyễn Hoàng Hải (Bí mật đảo thiên đường).
Giá trị giải Nhất và khuyến khích của Vườn ươm kịch bản lần lượt là 2.000 USD và 500 USD.
Dự án Imah – The Last Time I Saw Your Face (đạo diễn Eddie Cahyono, NSX LI Xiaorong) nhận giải của quỹ điện ảnh thế giới CNC, trị giá 8.000EURO.
Đáng chú ý, bên cạnh các giải thưởng của BTC, ở hạng mục Vườn ươm kịch bản (VietScript Lab), đạo diễn Charlie Nguyễn cùng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã quyết định chọn mỗi hạng mục TV series và phim truyện 1 dự án tiềm năng và sẽ đồng hành cùng họ trong 1 năm để cùng chỉnh sửa, trao đổi kịch bản cho đến khi hoàn thiện. Đồng thời, sẽ giúp kết nối để hai kịch bản này có thể được đưa vào sản xuất.
Hai dự án được lựa chọn là Hoàng Tự (biên kịch Phát Nguyễn) hạng mục TV series và Dưới cánh đại bàng (biên kịch Hoàng Yến) hạng mục phim điện ảnh.
Gia Hưng