Tiếp nối thành công của 3 mùa lên sóng, “Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance?” – Chương trình truyền hình thực tế số 1 về việc làm mùa thứ 4, với thông điệp “Bứt phát bản thân – Nâng tầm sự nghiệp” đã chính thức trở lại. Tập đầu tiên của chương trình đã lên sóng ở ở khung giờ phát sóng quen thuộc: 12h00 thứ Bảy ngày 03/09/2022 trên kênh VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam.
MC Thành Trung tiếp tục đảm nhận vai trò người dẫn dắt quen thuộc. Tập 1 chương trình có sự tham gia của 5 Sếp quyền lực là những người trao cơ hội việc làm cho các ứng viên, bao gồm: Sếp Nguyễn Thanh Quyền – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thắng Lợi Group; Sếp Lê Đức Thuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA); Sếp Lưu Nga – Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang ELISE; Sếp Nguyễn Trung Dũng – Chủ Tịch HĐQT & Tổng Giám Đốc Công Ty Cổ Phần DH FOODS và Sếp Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Telecom.
Ở vòng 1 – Đối mặt, 2 ứng viên tham gia sẽ cùng nhau bày tỏ quan điểm và phản biện lẫn nhau trước một chủ đề, tình huống mà nhà sản xuất đưa ra. Thông qua việc đưa ra ý kiến cá nhân, cách xử lý tình huống, cách đặt câu hỏi chất vấn của từng ứng viên, các sếp sẽ lựa chọn người phù hợp hơn để trao cơ hội đi tiếp vào vòng trong.
Tập 1 của “Cơ hội cho ai? – Whose chance?” mùa 4 là màn đối đầu của 2 ứng viên, gồm:
Nguyễn Trần Thiên Phú, 29 tuổi, cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh trường Đại học Duy Tân. Anh chàng có khả năng viết lách và khá hoạt ngôn nên từng thử sức ở vai trò dẫn chương trình, cũng như từng công tác tại xưởng phim với vị trí biên kịch. Năm 2019, Thiên Phú nằm trong Top 100 của cuộc thi về Kỹ năng Lãnh đạo và Phát triển Kinh tế dành cho đối tượng sinh viên ở khu vực miền Trung.
Năm 12 tuổi, vì một số biến cố trong cuộc sống, Thiên Phú phải tạm hoãn việc học phổ thông trong vòng 5 năm. Đến năm 17 tuổi, anh chàng quyết định phải đi học trở lại. Giữa đắn đo lựa chọn học nghề hay học văn hóa, cuối cùng Thiên Phú học bổ túc, nộp hồ sơ vào một Trung tâm Giáo dục Thương xuyên. Sau đó, bằng quyết tâm và nghị lực của mình, chàng trai sinh năm 1993 đã thành công trở thành một trong hai người duy nhất đậu Đại học của niên khóa đó. Lắng nghe câu chuyện của ứng viên, MC Thành Trung nhận định Thiên Phú là một người có ý chí, xứng đáng nhận được sự thiện cảm của các Sếp trong chương trình.
Đối thủ của Thiên Phú là Hoàng Thị Giang Na, 22 tuổi, hiện đang theo học tại trường Đại học Luật Hà Nội. Khi tham gia chương trình, nữ ứng viên vẫn chưa tốt nghiệp Đại học. Cô chia sẻ còn cần hoàn thành 2 tín chỉ học phần nữa mới đủ điều kiện tốt nghiệp loại Giỏi. Tuy tuổi đời còn khá trẻ, nhưng cô nàng Gen Z đã sở hữu cho bản thân những thành tích đáng nể: Á quân cuộc thi Phiên tòa giả định 2022, đạt giải nhất cuộc thi Olympic tiếng Nga toàn quốc năm 2019. Ngoài ra, cô nàng còn là Biên tập viên và MC cho một kênh youtube có nội dung liên quan đến các vấn đề về pháp luật.
Giang Na là cô gái dân tộc Nùng – một dân tộc thiểu số sinh sống tại tỉnh vùng cao Hà Giang. Sở hữu thành tích học tập ấn tượng, ngay từ những năm cấp 3, nữ úng viên đã là một trong số rất ít học sinh của tỉnh vùng cao này được cử đi học tập tại ngôi trường Hữu nghị Việt – Lào T78 (Hà Nội). Trong những năm dịch, bố của Giang Na không may qua đời vì COVID-19. Vì thế, dù còn nhỏ tuổi, nhưng cô gái sinh năm 2000 này đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho mẹ của mình. Giang Na chia sẻ cô không ngừng nỗ lực rèn luyện, nghiêm túc với từng cơ hội đến với bản thân, với mong muốn có thể ngày càng tạo ra nhiều giá trị hữu hình, để có thể chăm sóc tốt cho cuộc sống của 2 mẹ con.
Vòng 1 – Đối mặt
Ở vòng Đối mặt, câu hỏi phản biện được đặt ra cho 2 ứng viên là: “Theo bạn, tăng lương có phải là cách tốt nhất để giữ chân nhân viên?”.
Thiên Phú là người đưa ra quan điểm trước. Anh cho rằng tăng lương chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ trong việc giữ chân nhân viên. Theo mô hình của Tháp nhu cầu Maslow, khi con người được đáp ứng những nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở, an toàn, thì họ có xu hướng cần được thỏa mãn ở những nhu cầu cao hơn. Và nhu cầu được kính trọng, được thể hiện bản thân là những yếu tố nằm trên đỉnh tháp. Việc các sếp trong doanh nghiệp biết ghi nhận những đóng góp của nhân viên, quyết định việc nhân viên đó có gắn bó với doanh nghiệp hay không. Ngoài ra, Thiên Phú cũng cho rằng doanh nghiệp nên tạo ra môi trường làm việc thân thiện như ngôi nhà thứ hai của nhân viên để giữ chân họ lâu dài.
Giang Na đưa ra quan điểm có phần khác biệt với đối thủ. Cô quả quyết tăng lương chính là điều kiện cần thiết và tiên quyết trong việc giữa chân nhân viên. Vì lương chính là nguồn thu nhập giúp chúng ta có thể trang trải các nhu cầu trong cuộc sống. Khi quyết định đầu quân về một doanh nghiệp nào đó, thì lương là điều mà chúng ta nhìn vào đầu tiên, để xem có phù hợp với nhu cầu của bản thân hay không. Bên cạnh đó, việc tăng lương chính là sự ghi nhận giá trị của nhân viên, giúp họ có thêm động lực để gắn bó và phát triển tại doanh nghiệp.
Sếp Tiến đặt câu hỏi cho Thiên Phú sau đó: “Nếu hiện tại mức lương của em là 12 triệu/ tháng và có một công ty khác mời em về làm việc với mức lương 24 triệu/ tháng, thì em có đồng ý hay không?”.
Trả lời Sếp FPT, anh chàng cho hay sẽ cân nhắc kỹ, nếu công việc đó quá áp lực và không phù hợp thì anh sẽ không nhận lời. Thay vào đó anh sẽ nỗ lực cống hiến ở công ty hiện tại để từ mức lương 12 triệu/ tháng, qua thời gian sẽ dần được gia tăng.
Sếp Tiến tiếp tục đặt câu hỏi cho Giang Na: “Nếu mức lương hiện tại của em là 14 triệu/ tháng và có một công ty mà em rất yêu thích, như Elise của chị Lưu Nga chẳng hạn, mời em về làm việc với mức lương 12 triệu/ tháng, thì em có nhận lời không?.
Cô gái Nùng chia sẻ vì vùng quê cô sống có điều kiện sinh hoạt khá khó khăn, nên cô luôn nắm bắt bất kỳ cơ hội nào đến với mình. Cô khẳng định nếu công việc đó phù hợp với năng lực của bản thân, cô yêu thích nó và mức lương đó đủ trang trải cuộc sống thường nhật, cũng như dư một chút để cô cho vào quỹ dự phòng, thì cô sẽ nhận lời làm việc.
Sếp Quyền tiếp lời đặt câu hỏi cho 2 ứng viên: “Giữa một công việc lương cao nhưng không vui và một công việc lương thấp hơn nhưng vui, thì 2 bạn sẽ chọn công việc nào?”.
Giang Na trả lời rằng trước tình huống này, cô sẽ ưu tiên lựa chọn cơ hội công việc giúp cô có cơ hội trau dồi, rèn luyện hàng ngày để có thể thăng tiến trong tương lai. Mặt khác, Thiên Phú khẳng định anh sẽ lựa chọn công việc mang lại thử thách dù có mức lương thấp hơn. Chàng trai sinh năm 1993 cho rằng, sau khi chinh phục được thử thách thì trải nghiệm đó sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao hơn sau này.
Lắng nghe chia sẻ của cặp đôi ứng viên, Sếp Tiến có lời khuyên: “Tôi khuyên 2 bạn nhé. Mới ra trường, còn trẻ thì hay cố gắng làm những gì ra tiền, thật nhiều tiền, rồi mới làm việc mình thích. Vì nếu bây giờ làm việc mình thích trước, về cơ bản thì không ra tiền đâu”.
Kết thúc vòng Đối mặt, Giang Na nhận được 4/5 bình chọn, Thiên Phú chỉ nhận được 1/5 bình chọn. Giang Na giành chiến thắng trước đối thủ và bước tiếp vào vòng thi thứ 2 – Vòng chinh phục.
Vòng 2 – Chinh phục
Ờ vòng Chinh phục, Giang Na nhập mức lương kỳ vọng vào chiếc “va-ly bí mật” mà ban tổ chức cung cấp. Sau đó, 5 sếp quyền lực sẽ đặt câu hỏi để thẩm định về kinh nghiệm làm việc, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội lẫn trải nghiệm thực tế của ứng viên.
Sếp Quyền là người đầu tiên đặt câu hỏi: “Em là học về pháp chế nhưng lại đi làm theo hướng tổ chức sự kiện, marketing. Nguyên nhân vì sao, cơ duyên như thế nào?”.
Giang Na trả lời: “Công việc này em học được kỹ năng quản lý, kỹ năng lên kế hoạch, kỹ năng xử lý rủi ro. Ngoài ra, cơ duyên mang em đến với việc làm biên tập viên cho một kênh youtube, em có thể mang kiến thức về luật của mình đến những người chưa thực sự hiểu về luật pháp”.
Sếp Thuấn tiếp lời: “Em học luật chuyên về lĩnh vực nào. Và thông qua những công việc marketing mà em đã làm, em đã có những trải nghiệm như thế nào và học được gì từ đó?”.
Giang Na cho hay cô theo học ngành Luật học tại trường Đại học. Đối với công việc làm social media (Truyền thông mạng xã hội – PV) tại một công ty luật, cô học hỏi được cách tiếp cận khách hàng, cách quảng bá để bán được hàng thông qua các nền tảng này.
Cô nàng sinh năm 2000 cũng cho biết lý do cô không tiếp tục gắn bó với công ty cũ là vì nơi đó chưa khai thác hết tiềm năng, cũng như chưa thỏa mãn được những nhu cầu phát triển bản thân của cô. Ở độ tuổi còn quá trẻ, nữ ứng viên vẫn chưa xác định được bản thân phù hợp với luật hơn hay marketing hơn. Chính vì thể, cô mong muốn đến với chương trình để tìm kiếm một người dẫn đường.
Kết thúc vòng Chinh phục, Giang Na nhận được 5 đèn xanh, hoàn toàn đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng cuối cùng – Cơ hội cho ai.
Vòng 3 – Cơ Hội Cho Ai
Mức lương kỳ vọng của Giang Na 15 triệu đồng.
Cô nàng nhận được lời mời làm việc tại Tập đoàn Thắng Lợi cho vị trí Chuyên viên Marketing (WIN Media) với mức lương 15,686,868 đồng. Sếp Quyền chia sẻ thêm về tính chất công việc: “Công việc này cần em 1 năm để học nghề. Sau đó, em có 2 cơ hội lựa chọn, một là làm việc tại TP.HCM, hai là tại Hà Nội. Năm sau, chúng tôi sẽ Bắc tiến. Ngoài những chính sách phúc lợi của Tập đoàn, thì chúng tôi còn hỗ trợ chỗ ở, xe đưa đón đi làm. Vì hiện nay, chúng tôi có một khu dân cư được quy hoạch, để những nhân viên ở xa có thể ở đó. Tôi tin rằng 12 tháng học việc này sẽ trả lời giúp em rằng em phù hợp với công việc nào”.
Sếp Thuấn bày tỏ niềm yêu mến đối với nữ ứng viên và quyết định offer mức lương 18 triệu đồng cho vị trí Nhân viên Pháp chế kiêm Cộng tác viên Dự án Marketing tại Bảo Ngọc (BNA). “Lương pháp chế thì theo quy định của Ban Pháp chế. Còn lương marketing thì hưởng theo dự án” – Sếp Bảo Ngọc làm rõ chính sách đãi ngộ dành cho ứng viên.
Cũng dành nhiều thiện cảm cho Giang Na, Sếp Tiến quyết định offer mức lương 20,000,102 đồng cho vị trí Trưởng nhóm Sport Digital tại Tập đoàn FPT. “Công việc của bạn là vận hành nền tảng mạng xã hội trong lĩnh vực Thể thao, đặc biệt là Bóng đá và Võ thuật. Công việc đòi hỏi ứng viên có hiểu biết về luật bản quyền, chính sách cộng đồng trên mạng xã hộ. Bạn có 2 lựa chọn địa điểm làm việc. Một là tại Tòa nhà FPT ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Hai là Khu chế xuất Tân Thuận tại TP.HCM. Về nhóm digital của chúng tôi thì đội này hiện tại có khoảng 60 người. Riêng nhóm sport digital thì chúng tôi đang có nhu cầu mở rộng không ngừng”– Vị sếp bổ sung.
Sếp Nga offer cho Giang Na vị trí Phụ trách Pháp chế và Mạng xã hội tại Elise với mức lương 20 triệu đồng cùng lời mời: “Công ty tôi đang có một đội làm nội dung rất mạnh, toàn những bạn trẻ. Và tôi khao khát em sẽ trở thành thế hệ F2 trong đội nhóm này”.
Giang Na còn nhận được lời mời làm việc tại Dh Foods cho vị trí Chuyên viên Marketing với mức lương 16 triệu đồng.
Điểm đổi mới đặc biệt của chương trình, ở vòng Cơ Hội Cho Ai, Quyền Thương Lượng được trao cho Ứng viên. Đây là lần đầu tiên, quyền này xuất hiện tại Cơ hội cho ai mùa 4 để giúp làm nổi bật quá trình thương lượng, nhấn mạnh vào yếu tố thực tế, mở rộng cơ hội tốt hơn cho ứng viên và cũng tạo cơ hội cho các Sếp để thu hút nhân tài về với doanh nghiệp của mình.
Sau khi mức lương kỳ vọng đã nhập của ứng viên được mở ra, cũng như MC công bố từng đề nghị về lương và vị trí chiêu mộ của các Sếp, sẽ xảy ra hai trường hợp:
Trường hợp 1:
Ứng viên không có offer nào cao hơn mức lương kỳ vọng. Theo như luật chơi 3 mùa trước đây, ứng viên sẽ thất bại, phải ra về.
Mùa 4 năm nay, ứng viên được phép dùng Quyền Thương Lượng để lựa chọn một Sếp duy nhất để thương lượng, thuyết phục Sếp đưa ra offer bằng hoặc cao hơn mức lương kỳ vọng.
– Nếu Sếp đồng ý: Chốt deal thành công.
– Nếu Sếp không đồng ý: Ứng viên ra về.
Trường hợp 2:
Ứng viên có từ 1 offer trở lên và cao hơn mức lương kỳ vọng, ứng viên đó có quyền chọn tương ứng 1 hoặc 2 Sếp để thương lượng tiếp.
Ứng viên có thể thuyết phục các Sếp đưa ra các chính sách tốt hơn: lương cao hơn, vị trí phù hợp hơn; các chính sách ưu đãi: thưởng, hoa hồng hoặc các chế độ khác… để tạo ra một cuộc thương lượng đúng như trong thực tế.
Các Sếp được ứng viên lựa chọn tham gia màn Thương lượng có quyền:
- Nâng offer cao hơn: không giới hạn số lần để chiêu mộ ứng viên.
- Giữ nguyên offer ban đầu.
- Hạ offer xuống thấp hơn: không thấp hơn mức lương kỳ vọng.
Luật chơi không thay đổi qua 4 mùa phát sóng:
- Ứng viên không được chốt deal mức lương thấp hơn mức lương kỳ vọng.
- Ứng viên có quyền đưa ra quyết định: nhận công việc (chốt deal) với 1 Sếp hoặc có quyền ra về mà không chọn Sếp nào.
Việc bổ sung “Quyền thương lượng” trong mùa 4 chương trình Cơ Hội Cho Ai, nhằm mục đích đảm bảo gần thực tế nhất với quá trình thương lượng chính sách đãi ngộ giữa doanh nghiệp và người lao động, đồng thời giúp cho phần “chốt deal” giữa các Sếp và ứng viên diễn ra bất ngờ, hấp dẫn, kịch tính hơn. Ứng viên có thêm một cơ hội cuối cùng để chứng tỏ năng lực, thể hiện cá tính, nhằm thuyết phục các Sếp để có được 1 cơ hội việc làm thiết thực hoặc những quyền lợi tương xứng hơn với năng lực của ứng viên.
Tuy có nhiều hơn một offer cao hơn mức lương kỷ vọng, nhưng Giang Na quyết định không sử dụng Quyền Thương lượng, lựa chọn đầu quân về với Tập đoàn FPT cho vị trí Trưởng nhóm Sport Digital với mức lương 20,000,102 đồng.
Khoảnh khắc tiến về sân khẩu để thực hiện nghi thức kết nạp, Sếp Tiến chia sẻ về hoạt động thiện nguyện mà FPT chuẩn bị thực hiện và kêu gọi sự hưởng ứng từ các Sếp còn lại: “Nếu Trung thu này, các Sếp có quà gì đấy gửi cho các em ở trường dân tộc nội trú Vĩnh Xuyên (Hà Giang) thì mọi người gửi cho tôi. Tôi kể câu chuyện này với góc nhìn cá nhân. Có một cô bé 14 tuổi nói với tôi rằng bác ơi, cháu chỉ học đến tết này thôi, vì sau đó cháu phải về lấy chồng. Đối với người H’mông thì đây là một điều rất khó khăn. Lãnh đạo huyện đưa cả bộ đội biên phòng xuống nhưng vẫn không giải quyết được. Các cháu nó ở trường nội trú vui lắm!”.
Giang Na sau đó cũng chia sẻ trường dân tộc nội trú Vĩnh Xuyên cũng là ngôi trường mà cô đã từng theo học trước đây.
Đồng cảm trước câu chuyện mà vị Sếp FPT chia sẻ, Sếp Bảo Ngọc quyết định sẽ gửi tặng 200 suất quà Trung thu cho các bạn học sinh của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Vĩnh Xuyên. Sếp Nga cũng tặng sản phẩm năm nay của Elise, áo ấm mùa đông cho các học sinh dân tộc nội trú “Có bao nhiêu em tặng hết”.
Như vậy, ở màn chào sân trong lần quay trở lại của “Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance?” mùa 4, Sếp Tiến đã giành chiến thắng đầu tiên khi chiêu mộ thành công cô gái Nùng tuổi trẻ tài cao mà cả 5 sếp cùng mơ ước.
“Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance?” mùa 4 có sự tham dự của các Sếp là các lãnh đạo của các Tập đoàn, Doanh nghiệp đa dạng về lĩnh vực kinh doanh, từ Bất động sản, Bán lẻ, Công nghệ, FMCG, Viễn thông,…
– Sếp Nguyễn Thanh Quyền – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thắng Lợi Group
– Sếp Lê Đức Thuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA)
– Sếp Lưu Nga – Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang ELISE
– Sếp Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc Tập đoàn ASIM
– Sếp Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Telecom
– Sếp Nguyễn Trung Dũng – Chủ Tịch HĐQT & Tổng Giám Đốc Công Ty CP DHFOODS
“Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance?” mùa 4 do Ban Sản xuất các chương trình Giải trí giám sát sản xuất, ALO Media thực hiện, được phát sóng trên kênh VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam, vào 12h trưa thứ Bảy hàng tuần, bắt đầu từ ngày 03/09/2022.
Bảo Hưng