Suốt một thời gian dài, cộng đồng “Sky”, “Đồng âm” và “Đóm” – tên gọi hội người hâm mộ của lần lượt ba cái tên trên – đã luôn tranh cãi nảy lửa vì chuyện đó.
Sơn Tùng biểu diễn livestream thì fan Jack vào khiêu khích đòi Sơn Tùng giải nghệ. Người hâm mộ Đen Vâu thì tự tin âm nhạc của Đen mới thực là đáng nghe. Các Sky cũng không vừa, Jack lên top 1 trending ư? Họ buông câu “phong độ nhất thời, đẳng cấp mãi mãi”.
Và trong khi nhiều ngôi sao quốc tế bắt tay ngầm với nhau để tránh đụng độ trực tiếp thì ba “đại cao thủ” của V-pop hiện nay lại không ngại tung sản phẩm sát nút, có thể coi như tạo nên một cuộc “Hoa Sơn luận kiếm” đường đường chính chính, so tài ai cao ai thấp.
“Người Việt lâu lâu có thể đổi món này món kia, nhưng ballad vẫn là bất khả thay thế.”
Số liệu – thước đo chuẩn của sự thịnh hành?
Luận về con số, Sơn Tùng vẫn là quán quân. Mặc dù thời điểm này Chúng ta của hiện tại đã rớt xuống top 2 trending sau Đom đóm của Jack trên YouTube, nhưng thời gian để Sơn Tùng đạt được top 1 trending chỉ vỏn vẹn có 5 tiếng, nhanh gấp nhiều lần so với Jack.
Và trên Apple Music hay Spotify, ca khúc của Sơn Tùng cũng đều xếp đầu bảng, còn Đom đóm vẫn đang lận đận ở những vị trí thấp hơn trên các nền tảng livestream này. Riêng Đi về nhà của Đen Vâu có thể chẳng lập nên kỷ lục nào song từ khi ra mắt đến nay vẫn luôn ổn định ở những vị trí cao.
Thế nhưng, chừng ấy thôi liệu đã có thể coi Sơn Tùng là “minh chủ”? Những con số chưa chắc đã nói lên hết mọi khía cạnh của sự thịnh hành.
Sơn Tùng hay Jack có thể có lượng người hâm mộ trung thành sẵn sàng đêm ngày “replay” nhạc của họ vì đó là Sơn Tùng, đó là Jack; nhưng Đen Vâu lại nhận được cảm tình đại chúng và có rất nhiều những người nghe Đen không phải vì đó là Đen.
Người ta có thể không hâm mộ Đen mà vẫn “cày” lượt view, lượt nghe cho anh vì sự đồng cảm. Đi về nhà lại tiếp tục là một bài hát “hát cho mọi người” mà Đen đã thực hiện một cách thuần thục, với một chủ đề có độ rơi thời điểm không thể chính xác hơn: nhà.
Hơn 40 lần trong ca khúc này có từ “nhà”, khiến âm tiết ấy liên tục ngân vang như một hồi chuông báo thức lanh lảnh trong đầu người nghe và nhất quyết không chịu tắt đi chừng nào ta chưa tỉnh dậy khỏi giấc mộng đô thị.
Ngoài những đoạn ví von dí dỏm mà thấm thía đúng chất Đen, Đi về nhà không có gì mới, nó là một phiên bản hay hơn của Đi để trở về vài năm trước, và giống với kết thúc của tất cả những bộ phim truyền hình về đám trẻ hăm hở khăn gói bước vào đời rồi bị đời làm bầm dập te tua, cuối cùng lại bùi ngùi khăn gói quả mướp về nhà.
Nhưng chính nhờ thế, nó sẽ là kiểu bài hát còn được mở lại vào dịp cuối năm của ít nhất vài năm kế tiếp.
Sơn Tùng và sở thích “xem drama” của khán giả
Sau Có chắc yêu là đây với chất lượng chỉ cỡ một món quà tri ân, khán giả chờ đợi một sự trở lại đích thực của Sơn Tùng.
Chúng ta của hiện tại mang trọng trách đó. Nhưng có lẽ ngay từ cái tên người ta cũng có thể cảm nhận một chút “bí” từ chính người luôn dồi dào ý tưởng như Sơn Tùng, khi anh phải biến báo lại từ tứ “Chúng ta của sau này”, một cụm từ đặc chất mỹ cảm thanh xuân Đài Loan đã quen thuộc từ lâu ở Việt Nam.
Mang âm hưởng R&B, Chúng ta của hiện tại lại là một lần ngược đường của Sơn Tùng so với số đông. Nó có đầy đủ yếu tố để tạo thành một bản hit ngắn hạn.
Thế nhưng, ta có thể coi đây là một bước đi lùi của Sơn Tùng khi mà lần này, ngay đến cả người đã đặt Music trước Tài Năng và Phong Cách (biệt danh M-TP của anh), âm nhạc cũng không còn là tâm điểm nữa, mà là “bộ phim” MV dài 15 phút.
Phải nói rằng MV của Sơn Tùng không đến mức sến sẩm “drama” như phần lớn các MV dài khác, nó khá thông minh và hiện đại, nhưng nói chung, cuối cùng thì đến Sơn Tùng cũng phải nhượng bộ trước sở thích “xem drama” của khán giả Việt đại chúng.
Jack và “bánh mì” của nhạc Việt
Đom đóm của Jack càng không có nhiều điều để nói, vẫn là âm hưởng dân gian miền Tây đưa anh thành danh, vẫn là sự điểm xuyết một vài từ ngữ “cổ phong” tạo nên bầu không khí của những điệu tân cổ cải lương, nhưng lần này anh lựa chọn một bản phối ballad.
Trong một bài phỏng vấn, Jack từng nói “sự giao thoa, được kết hợp bởi Âu Mỹ và Việt Nam sẽ giúp tôi mang lại làn gió mới cho thị trường âm nhạc vốn đang chịu sự thống trị của ballad”, nhưng sau chuỗi thể nghiệm với future bass hay disco, Jack lần này đã quay về thứ “bánh mì” của nhạc Việt.
Có lẽ chính anh cũng nhận ra người Việt lâu lâu có thể đổi món này món kia, nhưng ballad vẫn là bất khả thay thế.
Đen giữa vòng xoáy thị hiếu và văn hóa
Còn với Đen Vâu, đến giờ này đã có thể khẳng định rap của Đen thoát ly hoàn toàn khỏi tinh thần rap. Trong những ca khúc trước người ta còn thấy đâu đó “cái tôi” của Đen, đến Đi về nhà thì cái tôi ấy đã tiêu biến sạch sẽ.
Rap vốn dĩ là sự trợn mắt của “cái tôi” trước cả thế giới, còn Rap của Đen thì giống một bài thơ du dương, một bài tản văn trên những tạp chí văn chương tuổi mới lớn, một sự quá độ từ thói quen đọc ca dao vần vè truyền thống ăn sâu vào tâm trí người Việt lên một hình thức vần vè hiện đại.
Vậy là, cả Sơn Tùng, Đen Vâu và Jack đều theo những cách khác nhau, bị cuốn vào những lối mòn thị hiếu và văn hóa. Và quay về câu hỏi trong ba người ai là số 1, có lẽ kết quả của cuộc đại chiến ấy chẳng quan trọng, khi mà họ đều không ở phong độ tốt nhất của mình.