Hầu đồng là một nghi lễ gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh nét đẹp của hoạt động hầu đồng thì cũng xuất hiện nhiều nghi vấn về việc nghi lễ hầu đồng bị biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan.
Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều mới đây, Thạc sĩ Nguyễn Đình Toàn – Giảng viên khoa Du lịch, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM có những chia sẻ xoay quanh chủ đề Hầu đồng: Tâm linh hay mê tín.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, ranh giới giữa tâm linh và mê tín trong việc thực hành hầu đồng là vô cùng mong manh. Để phân biệt đâu là thực hành tâm linh hầu đồng, đâu là mê tín, trước hết cần xem xét nơi tổ chức nghi lễ.
Một buổi hầu đồng đúng chuẩn phải được tổ chức tại các cơ sở tín ngưỡng như đền, phủ, điện… thuộc quản lý của nhà nước, có sự giám sát của cơ quan ban ngành như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong khi đó, những buổi hầu đồng diễn ra trong biệt phủ, nhà riêng thì có thể có dấu hiệu mê tín dị đoan, thậm chí là trục lợi vì thiếu sự kiểm soát.
Bên cạnh đó, mục đích thực hiện nghi lễ hầu đồng cũng là một dấu hiệu quan trọng để phân biệt đó là hoạt động thực hành tâm linh hay mê tín dị đoan. Bởi nghi lễ hầu đồng được thực hiện nhằm cầu an, cầu phúc lộc và “trả lễ”, thể hiện lòng biết ơn đối với các vị thần thánh đã phù hộ. Tuy nhiên, có không ít trường hợp lễ vật bị đẩy lên mức quá đà với một số tiền lớn, biến tướng thành những hình thức tiêu cực như trục lợi. Thậm chí, có người còn lợi dụng nghi lễ hầu đồng phát lộc cho khách tham dự để hối lộ hay phán những điều xấu làm ảnh hưởng đến đối thủ,…
Clip Thạc sĩ Nguyễn Đình Toàn tiết lộ một buổi hầu đồng “chuẩn”:
Ngoài ra, việc thương mại hóa nghi lễ hầu đồng trong hoạt động du lịch cũng là vấn đề đáng quan tâm. Vì khi hầu đồng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều người kỳ vọng rằng nghi lễ này có thể trở thành điểm nhấn thu hút du lịch. Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Đình Toàn cho rằng việc thực hành nghi lễ hầu đồng nhằm biểu diễn cho du khách xem, chụp ảnh, livestream… là điều không khả thi và không phù hợp với tính chất linh thiêng vốn có.
Cũng chính vì nghi lễ hầu đồng thường xuất hiện trong các lễ hội, mang tính chất linh thiêng nên khó có thể trở thành một màn trình diễn thường xuyên. Nếu để quảng bá du lịch thì chỉ có thể giới thiệu điệu hát chầu văn trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, chứ không thể xác định là đang lên đồng hay không.
Với những người trẻ muốn tìm hiểu về hầu đồng, Thạc sĩ Nguyễn Đình Toàn khuyên rằng trước tiên nên bắt đầu từ việc đọc sách, nhất là những công trình nghiên cứu về hầu đồng và tín ngưỡng đạo Mẫu của Giáo sư Ngô Đức Thịnh. Sau đó, có thể trực tiếp đến các cơ sở tín ngưỡng chính quy để quan sát, trải nghiệm một buổi hầu đồng thực sự. Việc “cảm” được nét đẹp trong nghi lễ không đến từ bề nổi hào nhoáng hay trào lưu mà đến từ chiều sâu tâm linh, từ cảm xúc kết nối với tâm linh qua vũ đạo và lời ca.
“Hiện nay, có các bạn trẻ hầu đồng nhưng không hiểu lời chầu văn cổ nên biến tấu thành lời khác hoặc làn điệu âm nhạc khác. Tuy nhiên đặt để trong không gian văn hóa thì phải mang tính linh thiêng. Nếu phá cách như vậy thì không còn linh thiêng và liệu thật sự có vị thần thánh nhập vào lúc đó hay không thì chỉ có người lên đồng biết”, Thạc sĩ Nguyễn Đình Toàn chia sẻ.
Có thể nói, nghi lễ hầu đồng là một thực hành tín ngưỡng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và giàu giá trị tinh thần nhưng chỉ khi được thực đúng cách, trong không gian phù hợp và xuất phát từ niềm tin chân thành. Nếu bị lợi dụng hoặc biến tướng thì nghi lễ hầu đồng sẽ dần đánh mất ý nghĩa ban đầu, thậm chí trở thành công cụ phục vụ lợi ích cá nhân.
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Bản lĩnh của nữ biệt động Sài Gòn với sự tham gia của host Lê Hoàng và nữ biệt động Nguyễn Ngọc Huệ sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 21/5/2025 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Lê Gia