Sau khi hoàn thành mùa hai của Lễ hội Thời trang Quốc tế Việt Nam – Vietnam International Fashion Festival, đạo diễn Lê Việt mới có thời gian để trò chuyện chia sẻ niềm vui mùa đầu tiên vừa được xác lập kỷ lục Việt Nam.
Đạo diễn Lê Việt
Cảm xúc của anh như thế nào trong ngày khai mạc VIFF 2021, ban tổ chức nhận được xác lập kỷ lục là chương trình biểu diễn thời trang kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật nhất dành cho VIFF 2020?
Tôi rất hạnh phúc khi những cố gắng nỗ lực của anh chị em đã được công nhận. Bước khởi đầu này dù không ít thử thách nhưng mọi người đều đã nỗ lực hết sức để đóng góp cho chương trình, tạo dấu ấn cho thương hiệu mới Lễ hội Thời trang Quốc tế Việt Nam.
Chúng tôi thường gọi đùa nhau là “những gã nghệ sĩ liều mạng”, từ anh Tùng Leo là người phát động ý tưởng tổ chức lễ hội thời trang với mong ước mang thật nhiều giá trị nghệ thuật và cách thưởng thức mới cho khán giả Việt và hai người kết nối thời trang với rất nhiều loại hình nghệ thuật hấp dẫn là đạo diễn thời trang Nguyễn Hưng Phúc và tôi trong vai trò đạo diễn chương trình … Không chỉ có thời trang và âm nhạc, mỗi sô diễn trong VIFF 2020 còn có sự kết hợp hài hòa cùng nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật đa dạng như múa đương đại, múa ballet, trình diễn nhạc giao hưởng, ảo thuật… Đây là ý tưởng mới mẻ ở Việt Nam nhưng là tâm huyết của 3 anh em cũng như các cộng sự để có được những chương trình nghệ thuật chất lượng.
Trong 4-5 ngày, lễ hội có rất nhiều hoạt động phong phú nhưng đồng thời cũng là khối lượng công việc khổng lồ của công tác tổ chức. Điều đáng nhớ nhất với ekip là gì?
Lễ hội là sự phối hợp của một tập thể lớn. Riêng công ty VIETMISSION chịu trách nhiệm gửi lời mời nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình khác nhau, đưa đón, sắp xếp hậu trường. Để mang lại không gian mãn nhãn thì các tiết mục buộc phải có sự tính toán kỹ lưỡng về vị trí, thời điểm xuất hiện. Đồng thời trong khoảng thời gian rất ngắn thì nhóm hậu trường phải thay đổi đạo cụ, cảnh trí thật nhanh gọn để liền mạch cảm xúc cho khán giả. Mỗi đêm lễ hội chỉ kéo dài khoảng 4 tiếng nhưng chúng tôi làm việc gấp 4-5 lần thời gian này. Có lần đúng 12h đêm thì 2 xe tải chở cảnh trí mới đến nơi để anh em chuẩn bị cho ngày hôm sau; chúng tôi phải huy động rất nhiều người vác cây đàn Harp từ xe tải ngoài cổng lên sân khấu ở lầu 1; cả nhóm điều phối biến thành thợ cắm hoa trong phút chốc để kịp thời gian chuyển đổi cảnh; nhóm đạo cụ phải lắp dàn giáo đèn led trong chớp mắt để phần trình diễn của nghệ sĩ được toả sáng nhất … Rất nhiều vất vả không thể kể hết được vì địa điểm trình diễn là không gian trống nên chúng tôi phải sáng tạo không ngừng để tạo nên tổng thể hoàn chỉnh.
Đạo diễn Lê Việt chỉ đạo trong buổi tổng duyệt
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc – Phó Tổng Thư ký TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Trưởng ban Truyền thông Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và ông Dương Duy Lâm Viên – Tổng Thư ký TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Giám đốc điều hành Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings trao bằng và Huy hiệu Kỷ lục đến Ông Nguyễn Thanh Tùng – TGĐ Empire Entertainment & Media
Tại sao anh lại nảy ra những ý tưởng táo bạo này dù quá trình hiện thực hoá vô cùng gian nan?
Tôi muốn dùng nghệ thuật để truyền tải thông điệp, ý nghĩa, nội dung các bộ sưu tập của mỗi nhà thiết kế khác nhau. Sở dĩ có nhiều bộ môn nghệ thuật cùng xuất hiện trong một chương trình vì đây là lễ hội thời trang chứ không chỉ đơn thuần là tuần lễ các buổi biểu diễn thời trang. Chúng tôi muốn khán giả đến với Lễ hội Thời trang Quốc tế Việt Nam sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau được đan xen hợp ý theo một ý tưởng cụ thể xuyên suốt chứ không chỉ xếp hàng lên diễn các bộ sưu tập đơn thuần. Thứ hai, mỗi loại hình nghệ thuật sẽ phù hợp với từng câu chuyện cụ thể. Chẳng hạn bộ sưu tập đầm dạ hội của NTK Jolie Polie thì cần trình diễn theo dạng nhạc kịch Broadway, còn bộ sưu tập áo cưới trên bãi biển của NTK Kiều Việt Liên thì cần có sự lãng mạn của đàn Harp v.v… Như vậy sau mỗi phần trình diễn của ca sĩ, nghệ sĩ thì khán giả sẽ hiểu rõ hơn thông điệp của từng bộ sưu tập, quá trình sáng tạo của các nhà thiết kế…
Cám ơn anh đã chia sẻ !
Lễ hội thời trang quốc tế Việt Nam 2020 (Vietnam International Fashion Festival 2020, gọi tắt là VIFF 2020) là một sự kiện thời trang quy mô lớn diễn ra từ ngày 25 đến 28/12/2020. VIFF 2020 thực sự là một dấu mốc lớn bởi đây là lễ hội thời trang quốc tế được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam cũng như là một trong những sự kiện văn hóa có nhiều người tham dự nhất trong năm 2020 với 400 lượt người mẫu, nghệ sĩ hoạt động ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật trình diễn tham gia biểu diễn và 13 nhà thiết kế nổi bật trong làng thời trang Việt cùng tham gia. Với sự xuất hiện của 15 loại hình nghệ thuật tại VIFF 2020, sự kiện đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam – Vietkings chính thức công nhận là “Chương trình biểu diễn thời trang kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật nhất (15 loại hình nghệ thuật)” sau một thời gian thẩm định. Có mặt tại quảng trường Novaland Gallery, TPHCM, nơi diễn ra sự kiện Lễ hội thời trang quốc tế Việt Nam 2021 (Vietnam International Fashion Festival 2021) vào tối ngày 22/12/2021, đại diện của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – Vietkings đã trao bằng xác lập kỷ lục trên đến Công ty TNHH Empire Entertainment & Media. Lễ đón nhận Kỷ lục Việt Nam cũng là phần mở đầu cho sự kiện Lễ hội thời trang quốc tế Việt Nam 2021 (VIFF 2021). Tiếp nối sự kiện VIFF 2020, VIFF 2021 một lần nữa thể hiện đây thực sự không chỉ là một sự kiện thời trang đơn thuần mà còn là sân chơi của rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau tại TP.HCM nói chung và Việt Nam nói riêng. Kỷ lục được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Kyluc.vn cùng hệ thống 5 website chuyên trang của Kỷ lục, gồm: kyluc.vn, Topplus.vn, vietworld.world, vienkyluc.vn, nienlich.vn; 1.Nghệ thuật sắp đặt sân khấu 2. Ballet cổ điển 3. Ca hát 4. Dance Sport 5. Nhào lộn 6. Đánh trống drumline 7. Dàn nhạc giao hưởng 8. Múa đương đại 9. Đọc Rap 10. Xiếc cà kheo 11. Múa Cột 12. Ảo Thuật 13. DJ 14. Múa dân gian dân tộc 15. Nhảy hiện đại
|
Bảo Vũ